Chuyên gia và giáo viên băn khoăn giá bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới tăng gấp 3 lần thì chất lượng sách, chất lượng giảng dạy có cải thiện hơn.
Theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá một bộ sách giáo khoa lớp 2 mới sẽ cao gấp 3 lần so với bộ sách hiện hành. Bộ sách lớp 6 mới cũng có giá cao gấp 3,56 lần. Việc tăng giá này khiến nhiều chuyên gia, giáo viên và phụ huynh thắc mắc, giá tăng có đồng nghĩa chất lượng sách, chất lượng giảng dạy cải thiện hơn không.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt nên không thể áp dụng phương pháp tính giá mà các nhà xuất bản đưa ra. Vì vậy, một bộ sách giáo khoa mới tăng giá gấp 3 lần so với bộ sách hiện hành là không hợp lý.
Tại nhiều quốc gia, sách giáo khoa là mặt hàng được nhà nước trợ giá nên dù được trình bày dưới bất kỳ hình thức nào, giá cũng rất rẻ thậm chí người dân còn được phát miễn phí. Điều này hướng tới sự phát triển giáo dục, hỗ trợ phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhưng tại Việt Nam quy trình biên soạn, lựa chọn, phân phối sách giáo khoa đang làm ngược lại.
“Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa mặc dù khuyến khích được nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục nhưng lại thả nổi khung giá sách. Điều này gây lo ngại về nguy cơ lợi ích nhóm, đẩy giá sách giáo khoa để mang lại lợi nhuận lớn. Trong khi chất lượng và nội dung sách thì chưa tương xứng”, GS Phạm Tất Dong nói.
Vị chuyên gia đề xuất, để không tạo gánh nặng cho xã hội, các cơ quan quản lý trong đó Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính cần có cơ chế tính lại giá, không nên chạy theo những lý do mà các nhà xuất bản đưa ra. Thậm chí phải cần cơ chế đấu giá phù hợp, tránh việc các nhà xuất bản lợi dụng chính sách xã hội hóa sách giáo khoa mà tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình, đi ngược với chủ trương khuyến học của Đảng và Nhà nước.
Sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tăng gấp 3 lần. |
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bản chất việc tăng giá các bộ sách giáo khoa là các nhà xuất bản phải cạnh tranh nhau về giá cả và thị trường phân phối. Từ khâu lựa chọn sách cho đến khâu phân phối phải qua rất nhiều trung gian. Qua mỗi trung gian giá sách giáo khoa lại bị đội lên một chút.
Nhà xuất bản giải thích rằng, do chi phí thuê chuyên gia, in ấn, truyền thông cho sản phẩm…tăng cao nên tăng giá bán. Thế nhưng nếu so sánh với sách hiện hành sẽ thấy nội dung và hình thức của sách giáo khoa mới không có quá nhiều thay đổi.
Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt và ảnh hưởng đến hàng chục triệu gia đình có con em đang đi học. Vì thế nhà nước có những quy định cụ thể về cách tính giá mặt hàng này, trong đó giá thành sản phẩm không thể cao hơn 5-7% chi phí phát hành sản phẩm.
Dù một bộ sách giáo khoa chỉ tăng vài trăm nghìn đồng nhưng nhân lên cả triệu bộ sách sẽ ra con số rất lớn. Quan trọng hơn việc tăng giá sách có giúp tăng chất lượng sách, chất lượng giảng dạy hay không còn là dấu hỏi.
Giá sách tăng không, chất lượng có cải thiện? |
Cô Vũ Thị Nhẫn, giáo viên tại Hà Nội, bất ngờ trước thông tin giá sách lớp 2, lớp 6 tăng gấp 3 lần so với sách hiện hành. Mức này tương đối cao so với giá trị thật của sách, do những thay đổi về nội dung và hình thức là không nhiều.
“Tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu những bộ sách này và thấy không có nhiều thay đổi về chất lượng so với sách hiện hành. Có chăng chỉ là chất lượng giấy và đổ màu được cải thiện. Một bộ sách giáo khoa có giá trên dưới 200.000 đồng không phải là nhiều.
Tuy nhiên đi kèm với đó học sinh còn phải mua kèm thêm sách tham khảo, vở bài tập. Vì thế giá tăng mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều các gia đình, nhất phụ huynh hoàn cảnh khó khăn”, cô Nhẫn nói.
VŨ NINH
Ngày đăng: 08:26 | 12/04/2021
/ vtc.vn