Giá vàng sáng nay (27/7) dù chưa có biến động nhiều nhưng chênh lệch rất lớn, tới 2 triệu đồng/lượng khiến những ai mua vào lỗ nặng.

Lúc 10h sáng nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 63,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Mức giá này giảm 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu phiên giao dịch.

Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá mua và bán đang rất lớn, lên tới 2 triệu đồng/lượng. 

vang-2-10293858
Giá vàng trong nước đang chênh lệch lớn. (Ảnh minh họa: Phạm Duy)

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng ở mức 65 - 66 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với hôm qua, khoảng cách chênh lệch là 1 triệu đồng/lượng.

Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 65,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Hiện trên thị trường, khoảng cách giữa giá mua và giá bán vàng tiếp tục được duy trì ở khoảng cách lớn, nhằm lấy khoảng đệm an toàn cho doanh nghiệp, cửa hàng. Điều này khiến giới đầu tư không còn mặn mà với vàng.

Nhiều chuyên gia cho biết không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce. Chẳng hạn, tại Singapore, chênh lệch giữa giá vàng của nước này với giá vàng thế giới chỉ khoảng 5-6 USD/ounce, tức chỉ đắt hơn vàng thế giới chỉ khoảng 170.000 đồng/lượng.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Nghị định 24 đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, nên dù giá vàng trong nước biến động mạnh như thời gian qua thì người dân cũng không còn nhốn nháo đi giao dịch vàng như trước. Nhưng những quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng đã khiến chênh lệch giá dễ bị nới quá lớn, đẩy khiến rủi ro về phía người dân mua.

Trong những phiên giao dịch gần đây, giá vàng thế giới luôn đứng ở ngưỡng thấp khi thị trường Mỹ đón nhận dữ liệu không lạc quan về chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ. Theo các nhà kinh tế, tâm lý tiêu dùng giảm mạnh có thể tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ khi chuẩn bị bước vào thời điểm cuối năm. Những lo ngại về lạm phát, đặc biệt là giá khí đốt và thực phẩm tăng, tiếp tục tác động lên chi tiêu của người tiêu dùng. Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, các ý định mua ô tô, nhà cửa và các thiết bị cơ bản trong gia đình đều giảm mạnh trong tháng 7.

Ngày đăng: 12:28 | 27/07/2022

Ngọc Vy / VTC News