Ảnh hưởng của dịch COVID -19 đã khiến giá xuất bán gia cầm tại trọng điểm chăn nuôi Đồng Nai liên tục “rớt đáy” những ngày gần đây. Hiện tại, giá loại gà rẻ nhất xuất bán tại trang trại chỉ còn trên dưới 10 ngàn đồng/kg. Với mức này, giá gà còn rẻ hơn giá rau trên thị trường khiến người chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai điêu đứng.

Trong điều kiện bình thường mỗi ngày Đồng Nai xuất ra thị trường khoảng 100 nghìn con gia cầm chủ yếu là gà và vịt, trong đó tiêu thụ nội tỉnh chiếm khoảng 15%, số còn lại là cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua các thương lái khó tiếp cận để thu mua và thị trường tiêu thụ cũng giảm đến 50% do ảnh hưởng dịch COVID -19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh cũng như tại tỉnh Đồng Nai nên các trại gia cầm như "ngồi trên đống lửa" vì giá gà, giá vịt xuất chuồng quá thấp.

Trang trại gà của ông Lê Phương Hải tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang có trên 150 nghìn con gà đến kỳ xuất bán nhưng không thể xuất chuồng vì không có thương lái mua. Do không xuất bán được, không chỉ thua lỗ hằng ngày phải thúc cám cho gà ăn mà mỗi ngày còn có hàng trăm con gà chết trong chuồng do chen chúc, giẫm đạp lên nhau khiến ông Hải thiệt đơn thiệt kép. Có những ngày ông Hải thông báo trên group khách hàng hạ giá gà xuống còn 10 nghìn đồng, thậm chí dưới 10 nghìn đồng/kg nhưng cũng không có thương lái hay chủ lò mổ nào đặt mua.

Giá gà rẻ hơn giá rau, người chăn nuôi điêu đứng -0

Lứa gà thịt đã đến kỳ xuất bán nhưng không bán được của một hộ chăn nuôi.

Theo ông Hải, mặc dù trang trại của ông nuôi gà theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn cung ứng cho các chuỗi thức ăn nhanh lớn như KFC, McDonald và xuất khẩu đi Nhật Bản, song do dịch COVID-19, các chuỗi này đều ngừng hoạt động nên không có nơi tiêu thụ. Mặt khác do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các chợ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, lò mổ đều phải đóng cửa hoặc hoạt động lẻ tẻ nên lượng gà xuất bán chỉ “nhỏ giọt”.

Theo tính toán của ông Hải thì lứa gà này ông đã thiệt hại số tiền lên tới hàng tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản ngay trước mắt bởi những khoản nợ tiền thức ăn, khoản vay đầu tư đã đến kỳ phải trả. Tương tự, ông Nguyễn Thành Sơn, chủ trang trại gà tại huyện Thống Nhất, cho biết: "Với giá gà như hiện nay, người chăn nuôi gà tam hoàng đang chịu lỗ từ 10 nghìn đến 11 nghìn đồng/kg". Nguyên nhân chính vẫn là hàng loạt lò giết mổ tại Đồng Nai, Long An phải đóng cửa do có ca nhiễm COVID-19 hoặc thiếu nhân công. Tình trạng này cũng khiến chuỗi cung ứng gà cho các siêu thị và chợ truyền thống bị đứt đoạn.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng khiến giá gà, vịt bán tại trang trại giảm dưới giá thành sản xuất nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn khó xuất bán sản phẩm. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân các loại gia cầm bán tại trang trại đồng loạt rớt giá chủ yếu là do các chợ đầu mối lớn ở TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng này của Đồng Nai đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Hàng loạt thương lái ở Đồng Nai kinh doanh gia cầm ở các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đều thuộc diện phải cách ly y tế để phòng, chống dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh gia cầm. Từ đó, hoạt động thu mua gia cầm tại nhiều địa phương gần như đình trệ.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho rằng, để cứu các trang trại gà thoát cảnh phá sản lúc này các địa phương cần cần huy động toàn bộ công suất của các nhà máy giết mổ trong vùng. Với các nhà máy có ca mắc COVID-19, cần được xử lý y tế và xem xét cho phép hoạt động trở lại. Cùng lúc cần cho khởi động các nhà máy giết mổ nhỏ để bù đắp vào phần công suất bị giảm do yêu cầu giãn cách. Mặt khác cần tạo điều kiện để kích hoạt lại các bếp ăn công nghiệp, mở cửa chợ truyền thống trở lại càng sớm càng tốt.

Trong điều kiện các chợ truyền thống chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại, cần có giải pháp tình thế như chia nhỏ các điểm bán hàng thiết yếu, thực phẩm đến các khu cách ly, khu phong tỏa. Điều này không chỉ giảm tải được việc xếp hàng ở siêu thị mà người dân trong các khu cách ly, khu phong tỏa vẫn được tiếp cận đầy đủ các loại thực phẩm. Đây cũng là con đường ngắn nhất giúp người nông dân bán được gia cầm vào thời điểm này. “Cứu” được người nuôi gà thời điểm hiện nay cũng sẽ giúp mặt hàng thực phẩm này không trở lên khan hiếm, tăng giá trong những tháng sắp tới.

Doanh nghiệp chăn nuôi thời COVID-19: Kẻ cười, người khóc Doanh nghiệp chăn nuôi thời COVID-19: Kẻ cười, người khóc

Đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lao đao, nhưng một số khác vẫn ăn nên làm ra.

Ngày đăng: 08:17 | 17/08/2021

/ cand.com.vn