Theo EVN, với giá điện mới, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ chịu mức tiền điện tăng thêm từ 3.900 - 55.600 đồng/tháng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo, từ 9/11 sẽ tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,5%, lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Quyết định này đã quy định cụ thể giá bán điện cho từng nhóm khách hàng.
Trong đó, đối với khách hàng dùng điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện được áp dụng cho 6 bậc. Bao gồm, bậc 1 từ 0 - 50 kWh là 1.806 đồng/kWh; bậc 2 từ 51 - 100 kWh là 1.866 đồng/kWh; bậc 3 từ 101 - 200 kWh là 2.167 đồng/kWh; bậc 4 từ 201 - 300 kWh là 2.729 đồng/kWh; bậc 5 là 3.050 đồng/kWh. Bậc 6 áp dụng cho 401 kWh trở lên có giá là 3.151 đồng/kWh.
Sau khi giá điện được điều chỉnh, mỗi tháng đối với khách hàng sử dụng bậc 1, tiền điện tăng thêm là 3.900 đồng; bậc 2 tăng thêm là 7.900 đồng; bậc 3 tăng thêm là 17.200 đồng; bậc 4 tăng thêm tối đa là 28.900 đồng; bậc 5 số tiền tăng thêm là 42.000 đồng; bậc 6 có tiền điện tăng thêm là 55.600 đồng.
Với các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, số tiền tăng thêm phụ thuộc vào việc sử dụng và tỉ lệ sử dụng điện ở từng thời điểm cao điểm và thấp điểm.
Trong đó, theo tính toán với ngành dịch vụ, tiền điện tăng thêm mỗi tháng là 230.000 đồng/tháng; với nhóm sản xuất, phải trả thêm 423.000 đồng; với khách hàng hành chính sự nghiệp sẽ phải trả thêm 90.000 đồng.
Nhóm khách hàng sản xuất (1.909.000 khách hàng) phải trả thêm 432.000 đồng mỗi tháng. Nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp (681.000 khách hàng) phải trả thêm 90.000 đồng mỗi tháng.
EVN đánh giá việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28.
Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Về cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng EVN cho biết, căn cứ thực hiện là quyết định 24/2017 của Thủ tướng.
Năm 2023, trong cơ cấu nguồn điện, sản lượng điện từ thủy điện giảm do hạn hán và hiện tượng El Nino, giá nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức rất cao, giá than nhập khẩu tăng 186% so với năm 2020 và 25% so với năm 2021...
“Việc tăng giá điện giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng. Số tiền này giúp tập đoàn giảm bớt khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành. Tuy nhiên để đảm bảo an sinh xã hội, tập đoàn đã đề xuất tăng giá điện thấp hơn mức tăng chi phí thực tế", ông Phước nói.
Nói về việc tăng giá điện có ảnh hưởng thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, cho biết chỉ số CPI sẽ tăng 0,035%.
Tuy nhiên, với mức tính toán giá thành sản xuất điện năm 2023 khoảng 2.098 đồng/kWh thì việc tăng giá lần này vẫn chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Hơn nữa, các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây không được tính toán trong giá điện.
Còn về việc giá điện tăng vào thời điểm chỉ số công tơ sẽ được ghi nhận vào cuối tháng 11 (gộp chỉ số tháng 10 và tháng 11) có khiến cho các hộ gia đình phải chịu mức tiền điện "tăng sốc", ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng tiền điện chi trả sẽ tăng thêm ở tháng đầu tiên sau thay đổi nhưng không phải tăng chi phí mà do kéo dài ngày sử dụng điện.
Ví dụ, trước đây chu kỳ ghi chỉ số công tơ vào ngày 20/10 và chốt chỉ số ngày 20/11, thì tới đây sẽ chuyển ngày chốt công tơ vào 30/11, tức thêm 10 ngày, thì hóa đơn tăng do thêm ngày dùng điện.
Ngày đăng: 08:47 | 10/11/2023
Phạm Duy / VTC News