Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, từ năm 2024, người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp, không còn bù chéo về giá điện, thị trường sẽ có tăng, có giảm.

Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Như vậy, đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ.

Khi đó, thị trường sẽ có tăng, có giảm. Nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện", ông Tuấn Anh nói.

Tại phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay 7/9 tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan đến việc phát triển điện lực của quốc gia trong thời gian tới. Cùng đó, cần mổ xẻ các nguyên nhân dẫn tới hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, các bất cập về thu hút vốn đầu tư cũng như các giải pháp giải liên quan đến nhập khẩu năng lượng thời gian tới.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, giá điện đầu vào và bán ra chưa bám sát thị trường dẫn đến việc thu hút vốn vào lĩnh vực điện thấp. Việc nhiều địa phương phản đối nhiệt điện than, vậy quan điểm của Bộ Công Thuơng ra sao?

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ việc bù giá điện giữa các nhóm khách hàng hiện nay và việc bù chéo này có phù hợp trong giai đoạn tới?

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận những điểm yếu trong công tác quy hoạch và dự báo sự phát triển các nguồn năng lượng mới có sự chậm trễ.

Theo quy hoạch, dự báo đến 2020 có 600MW điện năng lượng tái tạo. Với sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, các dự án đã phát triển rất nhanh. Việc chậm dự báo nguồn khí bị cạn kiệt cũng được cảnh báo trong các năm qua nhưng việc tìm các nguồn thay thế thì bị chậm.

Về việc giá điện đã theo cơ chế thị trường chưa, ông Tuấn Anh cho biết, giá điện đang hướng tới các cấp độ triển khai hướng tới thị trường thông qua 3 giai đoạn. Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, giá điện chỉ có tăng, không có giảm do từ 2011 đến 2020, chưa có cơ hội để đảm bảo cân đối, cơ cấu giá thành của các nhà đầu tư điện được tính đủ trong giá đầu vào. Tuy nhiên, thời gian qua, do có sự giảm giá đầu vào của khí, gas nên chúng ta đã có sự giảm giá 10% giá điện thông qua việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Giá điện sẽ tăng, giảm như giá xăng dầu - 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: MK)

Bộ trưởng Công Thương cũng cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điện.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo dù có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.

Đặc biệt, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Hàng loạt dự án điện lớn đã không được thực hiện dẫn đến việc hệ thống điện bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nguồn điện dự phòng kéo theo nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.

“Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong quy hoạch điện VIII, việc triển khai các dự án điện than sẽ được quản lý chặt chẽ. Bộ Công Thương sẽ không đưa thêm nhiều dự án điện than vào quy hoạch. Các dự án sẽ được đánh giá đầy đủ về yếu tố môi trường. Cùng đó, sẽ có sự điều chỉnh về cơ cấu các nguồn điện trong thời gian tới.

Đến 2024 sẽ không còn câu chuyện can thiệp về giá, không có chuyện bù chéo các mức giá điện giữa các vùng miền, các lĩnh vực”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Phương án một giá điện không ổn Thứ trưởng Bộ Công Thương: Phương án một giá điện không ổn

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, phương án một giá điện đưa ra là không ổn. Phương án này ...

Rút vì chưa phù hợp, điện một giá phải chờ đến bao giờ? Rút vì chưa phù hợp, điện một giá phải chờ đến bao giờ?

Bộ trưởng Công Thương quyết định rút lại phương án người dân được lựa chọn dùng điện một giá hay điện bậc thang. Thay vào ...

Ngày đăng: 15:02 | 07/09/2020

/ vtc.vn