Từ 15h hôm nay (22-8), giá dầu trong nước tăng mạnh trở lại, trong khi giá xăng giữ ổn định như trước đó.
Liên Bộ Công Thương- Tài chính quyết định tăng giá dầu diesel sẽ thêm 851 đồng mỗi lít; dầu hỏa tăng 736 đồng/lít; Riêng giá dầu mazut giữ nguyên từ chiều nay. Trong khi đó, giá các loại xăng được giữ nguyên.
Sau điều chỉnh, mỗi lít xăng E5 RON 92 vẫn tiếp tục được bán với giá tối đa là 23.725 đồng, RON 95 là 24.669 đồng; dầu diesel là 23.759 đồng, dầu hỏa 24.056 đồng, dầu mazut là 16.548 đồng/kg.
Tại kỳ này, Liên Bộ tiếp tục trích lập quỹ bình ổn với giá xăng là 451-493 đồng mỗi lít, còn dầu trích lập từ 250-641 đồng/lít (kg), giảm so với kỳ trước.
Như vậy, giá xăng dầu đã chấm dứt đà giảm liên tục của 5 kỳ điều hành trước đó. Giá xăng dầu trong nước hiện tương đương với mức đầu tháng 2-2022.
Theo Bộ Công Thương, trong kỳ vừa qua, giá xăng dầu diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng (nhất là dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao ).
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 11/8/2022 và ngày 22/8/2022 là: 107,626 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 1,703 USD/thùng, tương đương tăng1,608% so với kỳ trước); 111,449 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,527 USD/thùng, tương đương tăng1,389% so với kỳ trước;
129,013 USD/thùng dầu hỏa (tăng 6,207 USD/thùng, tương đương tăng 5,054% so với kỳ trước); 130,851 USD/thùng dầu điêzen (tăng 5,857 USD/thùng, tương đương tăng 4,686% so với kỳ trước); 501,039 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng2,763 USD/tấn, tương đương tăng 0,554% so với kỳ trước).
Do giá xăng dầu giảm liên tiếp trong gần 2 tháng qua nên gần đây, một số đại lý bán lẻ và đầu mối xăng dầu “không muốn bán”.
Chủ một đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết: “Chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu hiện rất thấp. Với xu hướng giảm giá xăng như vừa qua, chiết khấu có khi bằng 0, cộng với hàng tồn nên doanh nghiệp lỗ nặng”.
Thị trường xăng dầu vừa qua gần như không ghi nhận tình trạng cây xăng tự ý đóng cửa vì thiếu nguồn hàng nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đều không mặn mà.
Phía doanh nghiệp cho rằng kinh doanh xăng dầu đang khó khăn hơn bởi thị trường thế giới biến động liên tục, vừa lao dốc song đã tăng mạnh. Trong khi đó, chu kỳ điều chỉnh trong nước là 10 ngày/lần thay vì 15 ngày/lần như trước nên tỷ lệ dự báo chính xác diễn biến giá xăng dầu không cao. Từ đó, doanh nghiệp khó thông tin cho các đại lý bán lẻ để có phương án nhập hàng phù hợp.
Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế cho hay, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nên san sẻ với các đại lý, bởi mỗi khi giá xăng dầu tăng, đầu mối đều có lợi nhuận lớn. Các doanh nghiệp vừa phải đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong khi đó, với quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại thuế phí đã được giảm, nhiều ý kiến cho rằng các khoản thuế, phí này đã “nuốt” hết phần giảm giá xăng dầu vì giá mặt hàng này giảm trong thời gian vừa qua chủ yếu theo diễn biến giá thế giới.
Ngày đăng: 15:10 | 22/08/2022
Hà Linh / ANTĐ