Phiên đấu giá đất Sóc Sơn ngày 29/11 gây xôn xao vì có lô được trả tới 30 tỷ đồng/m2, tuy là "ảo" nhưng nhiều người vẫn băn khoăn giá đất thật quanh vùng này ra sao?
Được biết, khu đất đấu giá ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn, Hà Nội có 2 mặt tiếp giáp với khu dân cư và 2 mặt giáp với đồng ruộng của người dân. Khu đất này nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, cách sân bay Nội Bài gần 10km. Hiện khu đất đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhiều hạng mục vẫn còn ngổn ngang.
Theo nhiều môi giới bất động sản tại huyện Sóc Sơn, giá đất quanh khu vực này dao động từ 20 - 40 triệu đồng/m2.
Vị trí khu đất Sóc Sơn vừa được đấu giá ngày 29/11.
Cụ thể, một lô đất mặt đường nhựa kinh doanh tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến đang được chào bán với mức giá 40,21 triệu đồng/m2. Còn những vị trí nằm trong ngõ rộng khoảng 4 mét thì có giá 20 - 25 triệu đồng/m2. Các vị trí ngõ nhỏ sâu hơn thì dưới 20 triệu đồng/m2.
"Tôi cho rằng các lô trúng đấu giá vừa qua có mức 32 - 50 triệu đồng/m2 là khá sát với giá thị trường tại khu vực này. Còn trả giá tới 30 tỷ đồng/m2 thì rõ ràng là cố ý phá hoại vì đến đất trung tâm Hà Nội ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm cũng không có mức giá ấy", một môi giới nói.
Trong khi đó, theo dữ liệu trên các kênh mua bán bất động sản, giá đất nền Sóc Sơn trong tháng 11 phổ biến từ 22 - 45 triệu đồng/m2, tăng 43,8% trong vòng 1 năm qua.
Khu đất có 2 mặt gần khu dân cư.
Liên quan đến việc có nhóm người trả giá 30 tỷ đồng/m2, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, khi phiên đấu giá 58 thửa đất đến vòng trả giá thứ 6 thì xác định có một nhóm khách hàng có hành vi "phá hoại". Theo đó, nhiều người đã trả giá thật cao ở các vòng đấu giá trước đó rồi đến vòng thứ 6 thì trả giá 0 đồng, không tiếp tục tham gia phiên đấu giá.
Cũng theo vị này, dù bị phá nhưng phiên đấu giá vẫn tiếp tục diễn ra, những lô này sẽ được tổ chức đấu giá lại trong thời gian tới.
Trong khi đó, ngày 3/12, công an Hà Nội đã tạm giữ 5 người liên quan vụ trả 30 tỷ đồng/m2 đất đấu giá ở Sóc Sơn. Theo lời khai, trước khi đấu giá, những người này xác định mức giá chỉ khoảng trên 30 triệu đồng/m2 là có thể bán chênh được nên để khống chế kết quả đấu giá, các đối tượng thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc.
Cụ thể nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng thì vào vòng 5 sẽ đưa ra mức cao đột biến để thắng áp đảo. Đến vòng 6 họ sẽ cùng thống nhất bỏ không tiếp tục tham gia nữa. Mục đích là phá không cho lô đất được trúng đấu giá thành công.
Với chiêu thức này, 36/58 lô đất bị thông đồng, trả cao tới gần 100 triệu đồng/m2 rồi bỏ không đấu nữa. Cá biệt có người trả tới mức 30 tỷ đồng/m2.
Các khu đất đang xây dựng hạ tầng.
Trước đó, vào tháng 3, một phiên đấu giá đất tại Hoài Đức đã bị hủy bỏ vì có dấu hiệu sai phạm. Theo đó, ngay tại vòng 1 của phiên đấu giá, 15/33 thửa đất đã được trả giá lên tới 100 - 180 triệu đồng/m2, từ mức giá khởi điểm chỉ 57 - 62 triệu đồng/m2.
Sau đó tại vòng 2, khách hàng trả giá cao nhất lại không trả giá để cố tình bị truất quyền, tạo điều kiện cho người trả thấp hơn ở vòng 1 trúng đấu giá. Xét thấy khách hàng có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu giá tài sản nên ban tổ chức đã niêm phong toàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, phiếu trả giá để chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
https://vtcnews.vn/gia-dat-soc-son-quanh-khu-vuc-dau-gia-30-ty-dong-mot-m2-the-nao-ar911317.html
Ngày đăng: 11:04 | 04/12/2024
Châu Anh / VTC News