Không một thị trường nào có thể phát triển được trên nền tảng của sự "bao cấp", của mệnh lệnh hành chính duy ý chí. Đừng để đến khi mất điện mới nhận ra cái giá của nó lớn đến như thế nào.
Hai tuần qua, theo dõi trên báo chí và mạng xã hội, tôi không thấy nhiều luồng dư luận phản ứng kế hoạch tăng giá điện đến mức gay gắt như những lần trước. Đó là một điều “lạ” cho dù mức tăng 8% là không hề nhỏ.
Giá điện tăng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân (điện sinh hoạt chiếm 55% tổng cầu), đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến thu hút đầu tư và, hơn hết, đến lạm phát – chỉ số vô cùng nhạy cảm trong điều hành. Ngay trong phiên họp trực tuyến với cả nước hồi tháng Hai năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “không tăng giá điện” trong năm để “kiềm chế lạm phát” và Chính phủ đã công bố cam kết này trong Nghị quyết. Cam kết đó là có thể hiểu được khi phải giải các bài toán cân đối vĩ mô, trong đó quan trọng nhất là lòng dân.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát cả năm ngoái đã không “về đích” - một thành tích rất lớn – và vì thế lẽ ra cần tăng giá điện. Lý do rất đơn giản: giá điện thấp sẽ không đủ chi phí sản xuất, không khuyến khích đầu tư, và rốt cuộc đặt ngành công nghiệp “phải đi trước một bước” vào hoàn cảnh rất rủi ro. Lò xo bị nén mãi thì khi bung ra sẽ rất mạnh, hệ lụy là khôn lường.
Thị trường điện vẫn luôn méo mó, đặt trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia lên vai một doanh nghiệp là EVN.
Trong một cuộc phỏng vấn với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đầu năm nay, tôi đặt câu hỏi: “Lạm phát trong mấy năm qua luôn thấp nhưng nhiều loại giá như điện, than,... vẫn được Chính phủ kiểm soát và không tăng theo thị trường. Ông có cho rằng lẽ ra cần phải tăng để tránh rủi ro, tránh các cú sốc sau này hay không?”. Phó thủ tướng trả lời: “…Chính phủ đã nói lời thì phải giữ lấy lời để tạo niềm tin cho người sản xuất và tiêu dùng. Ở Việt Nam chúng ta yếu tố lạm phát kỳ vọng lớn lắm. Hiểu được đặc điểm này thì điều hành mới tốt được…”
Quan điểm điều hành này, tất nhiên, dẫn đến một ưu điểm rất lớn cho người tiêu dùng: giá điện ở Việt Nam thấp nhất trong 25 nước được Bộ Công thương khảo sát. Cụ thể, giá điện của Việt Nam chỉ tương đương 92% so với giá điện của Trung Quốc và Ấn Độ; 82% so với của Lào; 74% so với của Indonesia; 50% so với của Philippines và 39% so với của Campuchia. Mức giá thấp như thế này và được duy trì nhiều năm nay.
Một cựu lãnh đạo ngành điện giải thích điều này trong một cuộc phỏng vấn với tôi: “Người dân ta, tôi nhận định, là đang còn nghèo, bình quân GDP đầu người có 2.400 đô la. Người dân Thái Lan có thu nhập gần gấp ba lần thì họ mới chịu được giá điện cao. Vì thế chúng ta mới phải nghĩ”. Ông nói tiếp: “Việt Nam mình thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ ở chỗ này thôi, cắt cái đó thì còn đâu định hướng xã hội chủ nghĩa nữa”.
Lò xo nén chặt
Tuy nhiên, giá điện bị ghìm lại như lò xo bị nén chặt sẽ dẫn đến hệ lụy không hề nhỏ. Mỗi năm nhu cầu điện tăng bình quân 10%, tương ứng 4.000-5.000 MW. Điều này có nghĩa, mỗi năm phải có 3-4 nhà máy điện công suất lớn, có tổng trị giá 10 tỷ đô phải được khởi công xây dựng. Vậy mà từ năm 2016 đến nay, không có dự án nào được khởi công, không có dự án nào hoàn thành để đưa vào vận hành. Nhà đầu tư ngoảnh mặt. Rủi ro thiếu điện đang treo lơ lửng ở khoảng cách rất gần.
“Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt về giá năng lượng… Giá đó phải theo cơ chế thị trường thì mới thu hút được nhà đầu tư”, thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng nói với giọng thiết tha trong cuộc làm việc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ ngày 11/7 năm ngoái.
Trong ngày nắng nóng “kỷ lục của kỷ lục” 22/6/2018 EVN phát đi một thông điệp báo động: công suất đỉnh toàn hệ thống đạt tới 34.138 MW. Con số mang tính kỹ thuật này là đáng lo lắng trong bối cảnh công suất khả dụng của toàn hệ thống là 35.000 MW trên tổng công suất là 48.000 MW. Nói một cách đơn giản, chỉ cần một nhà máy có vấn đề lúc đó thì sẽ phải cắt điện.
Thị trường điện cạnh tranh, ước mơ được đặt ra từ hồi nào, đến giờ vẫn chỉ là giấc mơ. Nói một cách thẳng thắn, thị trường điện ở Việt Nam bị can thiệp, bị mệnh lệnh hành chính bóp thành méo mó, biến dạng, mà giá điện chỉ là một yếu tố. Các cải cách để thị trường hóa, như trong các bản quy hoạch điện, ngày càng lùi xa, dời lại. Trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia lâu nay được đặt vào tay duy nhất một doanh nghiệp là EVN, nhưng lại trói tay, trói chân họ họ bởi những chính sách như giá điện, bỏ bảo lãnh Chính phủ,… Một sự đánh cược đây rủi ro.
Chuyên gia Trần Đình Thiên, người luôn phê phán thị trường điện méo mó, nhận xét: “Giá điện Việt Nam mang tính chính trị rất cao. Chỉ khi giá điện tuân theo cơ chế thị trường thì an ninh năng lượng quốc gia mới được đảm bảo, ổn định lâu dài”. Tất nhiên, những nhận xét đó luôn gặp nhiều phản phản đối.
Tôi hiểu và chia sẻ với những người nghèo vốn đang vật vã mưu sinh và có thể gặp cú sốc trong sinh hoạt vì điện tăng giá. Họ cần được chia sẻ từ Nhà nước chứ không phải từ EVN, doanh nghiệp đang than vãn lỗ hơn 1.000 tỷ đồng dù có tăng giá điện. Thị trường bao giờ cũng có quy luật và cái giá của nó. Không một thị trường nào có thể phát triển bền vững trên nền tảng của sự bao cấp, của mệnh lệnh hành chính chủ quan, duy ý chí.
Đàng nào, người dân chứ không phải ai khác, mới chính là người chi trả tiền điện. Đừng để đến khi mất điện mới nhận ra cái giá của nó lớn đến như thế nào.
Tư Giang
Giá điện tăng: EVN thu gần 1 tỷ USD, vẫn kêu chưa đủ
Giá điện chính thức được Bộ Công Thương tăng từ ngày 20/3. Số tiền các hộ sử dụng điện chi trả sẽ tăng lên. |
EVN thu hơn 20.000 tỷ đồng từ tăng giá điện 8,36%
Từ hôm nay (20/3) giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 8,36%, theo quyết định của Bộ Công Thương. |
Nghịch lý giá điện
Giá điện sẽ tăng hơn 8% vào cuối tháng này, với lập luận của lãnh đạo Bộ Công Thương là để “lành mạnh hóa tài ... |
Giá điện tăng như thế nào 10 năm qua
Giá bán lẻ điện bình quân đã có 9 lần tăng trong 2009 - 2018, có lần tăng tới hơn 15%. |
Ngày đăng: 10:52 | 21/03/2019
/