Ngày 6/11, tức là chỉ 2-3 ngày nữa, Đại hội VFF khóa IX sẽ diễn ra. Những vị trí chủ chốt từ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch sẽ được xác định thông qua những lá phiếu. Thế nhưng ngay từ thời điểm này, danh tính các vị trí kể trên đã trở nên dễ đoán.

Ngày càng ít đối thủ cạnh tranh

Từ thời điểm ngày 9/9 cho đến nay, VFF đã tiến hành công bố và cập nhật danh sách nhân sự Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra VFF khóa IX (Nhiệm kỳ 2022-2026) tới 2 lần. Cũng sau những lần cập nhật đó, số ứng viên cạnh tranh các vị trí Phó Chủ tịch ngày càng giảm đi. Trong khi ở vị trí Chủ tịch VFF, duy chỉ có ông Trần Quốc Tuấn (Quyền Chủ tịch VFF khóa VIII) “đơn thương độc mã” ứng cử.

anh 1.jpg -0
Ông Trần Anh Tú “sáng cửa” giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.

Vị trí Chủ tịch VFF vốn dĩ đã có thể đoán được ngay sẽ thuộc về ông Trần Quốc Tuấn ngay từ hiện tại. Vậy nên, sự quan tâm và tính hấp dẫn được hướng về 3 cuộc đua cho 3 chức danh Phó Chủ tịch bao gồm: Chuyên môn, Tài chính và vận động tài trợ, Truyền thông và đối ngoại. Như như đã nói ở trên, sau 2 lần chính thức công bố và cập nhật danh sách nhân sự đề cử, số lượng các ứng viên cho 3 vị trí kể trên cũng đã giảm đi đáng kể. Thậm chí, theo những nguồn tin uy tín, vài ngày trước khi Đại hội VFF diễn ra, một vài ứng viên cũng tiếp tục đánh tiếng với báo chí về việc xin rút.

Cụ thể ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, từ 5 ứng viên ứng cử ban đầu, hiện chỉ còn ông Trần Anh Tú - Ủy viên Thường trực BCH VFF khóa VIII cùng ông Dương Nghiệp Khôi, Trợ lý Quyền Chủ tịch VFF khóa VIII. Vị trí này sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu lá phiếu của ông Trần Anh Tú áp đảo ông Dương Nghiệp Khôi. “Bom tấn” bản quyền truyền hình mà VPF ký kết với Tập đoàn FPT Play, xoay quanh 3 giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam từ năm 2013 đến 2017, với tổng giá trị có thể lên tới 300 tỷ đồng là cú hích nặng đô để ông Trần Anh Tú sáng cửa giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF.

Tại vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông, cũng từ 5 ứng viên tham gia vào danh sách cách đây 2 tháng thì cho đến nay, ông Cao Văn Chóng (Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và đối ngoại VFF khóa VIII, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương) cùng ông Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch CLB Phù Đổng) là những người vẫn còn “máu” tranh cử. Bởi trước đó, Tổng thư ký VFF - Lê Hoài Anh đã xin rút lui. Trong khi bà Nguyễn Thị Hoàng Phương (Phó Tổng giám đốc VTVcab) cùng ông Nguyễn Quốc Hội (Ủy viên BCH VFF khóa VIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội T&T) cũng đánh tiếng trên báo chí về việc không tham gia ứng cử.

Có thể, ông Cao Văn Chóng chịu khá nhiều áp lực xuyên suốt thời gian qua, khi trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vị đương kim Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF. Tuy nhiên không thể phủ nhận ông Cao Văn Chóng đang chiếm ưu thế hơn nhiều so với ông Nguyễn Xuân Vũ vốn chưa có màn “chạy đà” đủ ấn tượng trong thời gian qua. Đấy là chưa kể, Phù Đổng của ông Nguyễn Xuân Vũ cũng vừa phải rất vất vả mới có thể kết thúc mùa giải hạng Nhất 2022 đầy sóng gió và biến cố bằng một suất trụ hạng hú vía. Vậy nên, nếu như ông Cao Văn Chóng tiếp tục tái đắc cử, điều đó cũng sẽ chẳng bất ngờ nữa.

Khó có kịch tính ở vị trí Phó Chủ tịch tài chính

Màn đua “song mã” ở vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách Tài chính và vận động tài trợ, với hai ứng viên là ông Nguyễn Trung Kiên (Tổng giám đốc Next Media) và ông Lê Văn Thành (Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính VFF khóa VIII, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực) cũng đang không chứng kiến một cuộc cạnh tranh cân tài, cân sức.

Nói chính xác hơn, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Next Media đang bị bỏ lại khi ganh đua với ông Lê Văn Thành. Cú “áp phe” với tổng giá trị tài trợ ước tính lên đến gần 90 tỷ đồng bằng tiền mặt và hiện vật giữa Tập đoàn Thể thao Động Lực cùng VFF và VPF được xem là bước nhảy vọt rất quan trọng để ông Lê Văn Thành tự tin chiếm phiếu cao so với ông Nguyễn Trung Kiên.

Thực tế chỉ sau đó ít ngày, ông Nguyễn Trung Kiên cũng đã có màn “chạy đà” với những phân tích và hứa hẹn ở góc độ tài chính. Ông nói: “Nếu tôi trúng cử Phó Chủ tịch tài chính VFF, tôi có thể có một số thứ làm tốt hơn cho bóng đá. Thứ nhất, tôi sẽ giúp tăng trưởng 50% nguồn thu mỗi năm cho VFF so với giá trị hiện tại. Ngoài ra, tôi sẽ giúp nâng cao thu nhập cho các trọng tài để họ yên tâm làm việc, nâng chất lượng giải quốc gia. Với kinh nghiệm của Next Media, tôi có thể giúp các CLB tại Việt Nam xây dựng hệ thống truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, thu hút tài trợ. Trước đây Next Media đã từng làm truyền thông cho các CLB như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai. Bóng đá là sự kết nối, có thể tạo ra giá trị rất lớn.

Tôi không biết nguồn thu hiện nay của VFF là bao nhiêu nhưng nếu trúng cử Phó Chủ tịch tài chính VFF, tôi sẽ làm cho nguồn thu đó tăng tối thiểu 50% mỗi năm. Giải pháp của tôi là lôi kéo các doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn lớn của nước ngoài tài trợ cho bóng đá một cách bền vững. Có nhiều dư địa mà bóng đá Việt Nam vẫn đang bỏ sót, ví dụ như có 6 ngân hàng tài trợ cho VTV mua bản quyền World Cup 2022 nhưng không có ngân hàng nào tài trợ cho VFF”.

Có lẽ, cuộc đua ở chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính vẫn sẽ phát sinh một số yếu tố bất ngờ ở chặng nước rút. Nhưng nếu như ông Lê Văn Thành có tái đắc cử đi chăng nữa thì câu chuyện ấy cũng nằm trong dự liệu và dự đoán của không ít chuyên gia.

Mục tiêu tài chính của VFF khóa IX

Theo báo cáo tài chính của VFF, năm 2021 VFF thu được 268 tỉ đồng, đạt 95,4% mục tiêu đề ra. Trong đó, VFF đã chi gần 200 tỉ đồng để đảm bảo các hoạt động của bóng đá Việt Nam trong năm. Nguồn chi lớn nhất được dành cho các đội tuyển quốc gia tập huấn, thi đấu quốc tế. Mục tiêu của VFF trong năm 2022 là thu được 300 tỉ đồng. Con số thực tế thu được bao nhiêu sẽ được VFF báo cáo tại Đại hội khóa 9 diễn ra ngày 6/11 ở Hà Nội.

https://cand.com.vn/van-hoa/ghe-nong-tai-dai-hoi-vff-bat-dau-de-doan-i673133/

Ngày đăng: 08:22 | 04/11/2022

An Khánh / Công an nhân dân