Uỷ ban Kinh tế cho rằng, động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như năm 2017 sẽ "khó lặp lại" trong năm 2018.
Trong báo cáo dài 20 trang gửi tới Quốc hội, Chính phủ cho biết 12/13 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017 Quốc hội giao đều đạt, vượt. Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP là chỉ tiêu duy nhất không đạt, khi chỉ thực hiện được 0,5% GDP, thấp hơn 1% so với kế hoạch giao.
Dành phần lớn báo cáo nêu kết quả kinh tế xã hội đạt được trong 4 tháng đầu năm 2018, Chính phủ cho biết, tốc độ tăng GDP quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Tuy vậy, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế thận trọng khi cho rằng, động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như năm 2017 sẽ "khó lặp lại".
"Sự bứt phá về GDP tăng 7,38% so với cùng kỳ 2017 là bước khởi đầu thuận lợi, nhưng cũng là áp lực không nhỏ về tăng trưởng cho 3 quý còn lại nếu nền kinh tế vẫn định hình tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhận xét.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: QH |
Cơ quan này cũng lo ngại trước áp lực lạm phát 2018 khi loạt giá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thực phẩm... tiếp tục tăng, dự báo góp 2-2,5 điểm phần trăm vào lạm phát chung.
Việc một số nước lớn quay lại áp dụng các chính sách bảo hộ và các biện pháp cực đoan khó lường, áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam.
Bởi vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chất lượng tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ và thực phẩm..
“Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đề xuất các loại thuế mới. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng chuyển giá, trốn thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế một lần nữa chỉ ra nỗi lo nợ công, thu ngân sách không còn nhiều dư địa tăng nên sẽ khó bố trí nguồn bù đắp nếu có khoản chi phát sinh, và việc huy động vốn vay cân đối ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do chi phí lãi vay tăng.
Tiến độ giải ngân các khoản thu trong 4 tháng qua không đồng đều, một số khoản thu dù tăng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 32%) như thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (29,2% dự toán), thuế bảo vệ môi trường (28,7% dự toán).
Theo báo cáo Chính phủ, Nhà nước thu về hơn 20.000 tỷ đồng từ bán vốn một số doanh nghiệp Nhà nước lớn trong những tháng đầu năm 2018, song theo Uỷ ban kinh tế, quá trình cơ cấu lại số doanh nghiệp này chưa đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Một số vụ việc gần đây liên quan đến công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, việc mua cổ phần của doanh nghiệp, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai.
Ông Thanh ví dụ, vụ công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng hơn 30 ha phần diện tích đền bù tại khu dân cư Phước Kiển (TP HCM); vụ án hình sự Công ty dịch vụ viễn thông MobiFone mua Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu An Viên (AVG )… thể hiện sự cố tình làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản, vốn Nhà nước của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp.
Mặt khác, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “nóng” lên ở một số địa phương, nhất là tại ba nơi đang chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được Quốc hội xem xét, quyết định.
Vì lẽ đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, nhất là ở Hà Nội và TP HCM.
Chính phủ cũng cần có giải pháp để thị trường bất động sản vận hành ổn định, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt dự án phát triển nhà ở, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng… và sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật điều chỉnh đối với các loại hình này. "Không để có khoảng trống trong quản lý nhà nước, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để phát huy hiệu quả các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sau khi được Quốc hội thông qua", Uỷ ban Kinh tế lưu ý.
Anh Minh
Vì sao GDP quý I tăng kỷ lục 10 năm qua?
Đà tăng trưởng mạnh 6 tháng cuối năm 2017 đã góp lực giúp GDP quý I đạt mức tăng ấn tượng. |
Tăng trưởng GDP quý I trên 7%, cao nhất trong cả thập kỷ
Theo Bộ KH&ĐT, tăng trưởng GDP quý I sẽ cao nhất 10 năm qua, ở mức trên 7%. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vướng Đình ... |
Ngày đăng: 14:30 | 21/05/2018
/ VnExpress