Khi Israel chuẩn bị kết thúc các hoạt động quân sự ở Gaza, một câu hỏi lớn được đặt ra: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với dải đất này?
Những kế hoạch đầy thách thức
Một kế hoạch đang được nhiều thành viên chính phủ và quân đội Israel ủng hộ là hình dung ra việc tạo ra các “hòn đảo" hoặc “bong bóng” địa lý nơi người Palestine không liên quan đến Hamas có thể sống trong nơi trú ẩn tạm thời trong khi quân đội Israel truy quét những chiến binh Palestine còn sót lại.
Tướng Israel Ziv, người giám sát việc Israel rút khỏi Gaza năm 2005, đề xuất rằng những người Palestine sẵn sàng lên án Hamas có thể đăng ký sống tại các đảo địa lý được rào chắn nằm cạnh khu dân cư của họ và được quân đội Israel bảo vệ. Điều này sẽ cho phép họ tái thiết nhà cửa.
Tiến trình này sẽ diễn ra dần dần, và về lâu dài, tướng Ziv hình dung việc đưa Chính quyền Palestine (PA) có trụ sở tại Bờ Tây trở lại Gaza như một giải pháp chính trị, với toàn bộ quá trình mất khoảng 5 năm trong khi quân đội Israel chiến đấu với Hamas. Theo kế tướng Ziv, Hamas có thể là một phần của chính quyền Gaza nếu họ trả tự do cho tất cả các con tin bị giam giữ và giải giáp để trở thành một phong trào chính trị thuần túy.
Đó là một kế hoạch đầy thách thức và cách tiếp cận tương tự đã từng thất bại trước đây. Đầu năm nay, quân đội Israel đã lặng lẽ cố gắng làm việc với các gia đình địa phương ở Gaza để phân phối viện trợ và thay thế Hamas, nhưng họ sợ hãi trước những lời đe dọa bạo lực của nhóm vũ trang này. Thủ tướng Netanyahu cho biết một số người Palestine ở Gaza tham gia vào kế hoạch trước đó đã bị Hamas giết chết.
Các thành viên khác trong đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ủng hộ một kế hoạch khác tập trung vào an ninh. Kế hoạch này chia cắt Gaza bằng hai hành lang chạy ngang qua chiều rộng của dải dất và một vành đai an ninh kiên cố cho phép quân đội Israel tiến hành các cuộc đột kích khi thấy cần thiết.
Ý tưởng này đến từ các nhóm không chính thức gồm các sĩ quan quân đội và tình báo Israel đã nghỉ hưu, các tổ chức tư vấn, các học giả và chính trị gia, cũng như các cuộc thảo luận nội bộ trong quân đội. Nhóm này đang nghiên cứu các kế hoạch chi tiết để có cái nhìn về một tương lai của Gaza mà Israel gọi là “Ngày Sau”.
Các kế hoạch - dù có được thông qua đầy đủ hay không - đều tiết lộ những thực tế khó khăn và hậu quả khó lường. Việc dân thường dân Palestine có thể bị giam giữ vô thời hạn ở các khu vực nhỏ hơn của Dải Gaza trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn bên ngoài, vẫn có thể buộc quân đội Israel phải can dự sâu vào vùng đất này trong nhiều năm cho đến khi Hamas bị gạt ra ngoài lề.
Nhu cầu tìm ra giải pháp hậu chiến ngày càng cấp bách hơn, vì Israel dự kiến sẽ sớm chuyển sang giai đoạn chiến đấu chống nổi dậy, điều này sẽ làm giảm quân số ở Gaza và có thể khiến vùng đất này sa lầy trong tình trạng vô luật pháp và bất ổn bạo lực nếu không tìm được giải pháp thay thế. Áp lực với Tel Aviv càng lớn hơn trong bối cảnh cuộc chiến với Hezbollah ở biên giới Israel - Lebanon có nguy cơ leo thang.
Trong khi đó, Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu hiện vẫn từ chối bình luận về kế hoạch hậu chiến cho Gaza và không giải thích bất kỳ kế hoạch nào sẽ được cấu trúc hoặc thực hiện ra sao.
Phản ứng của các bên ra sao?
Trong một diễn biến ở chiều ngược lại, Hamas tuyên bố sẽ chống lại các kế hoạch của Israel và “cắt đứt bất kỳ sự chiếm đóng nào đang cố gắng can thiệp vào vận mệnh và tương lai của dân tộc chúng tôi”.
Người Palestine không muốn tạo điều kiện thuận lợi cho Israel kiểm soát Gaza sau chiến dịch tấn công dải đất này, một chiến dịch mà các cơ quan y tế Gaza cho biết đã khiến hơn 37.000 người thiệt mạng, phần lớn là dân thường.
Các chính phủ Ảrập đã bày tỏ mong muốn đóng vai trò lớn hơn, một số sẵn sàng cung cấp tài chính và quân lính để quản lý an ninh. Nhưng họ đã đặt điều kiện hỗ trợ đó vào một lộ trình chính trị rộng hơn bao gồm việc Chính quyền Palestine (PA) trở lại Gaza và cam kết của Israel về giải pháp hai nhà nước, những kết quả mà Mỹ cũng tìm kiếm.
Hiện tại, Thủ tướng Netanyahu vẫn từ chối xem xét bất kỳ yêu cầu nào trong số đó, với lập luận rằng PA quá yếu và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Có thể hiểu được điều này vì ông Netanyahu cũng phải đối mặt với áp lực chính trị nội bộ: Các thành viên cánh hữu trong liên minh cầm quyền của ông phản đối PA, và một số thậm chí còn muốn Gaza được tái định cư bởi người Israel.
Một số tổ chức nghiên cứu của Israel thừa nhận rằng việc khuyến khích sự tham gia của người Ảrập vào việc quản lý Gaza sẽ khó khăn nên đang thúc đẩy sự chiếm đóng hoàn toàn của Israel. Viện An ninh Quốc gia và Chiến lược Phục quốc Do Thái (Misgav), một nhóm nghiên cứu cánh hữu do cựu giám đốc an ninh quốc gia Meir Ben-Shabbat đứng đầu, lập luận rằng quân đội Israel cần đảm bảo khoảng 75% các chiến binh Hamas và Jihad Hồi giáo ở Gaza không còn khả năng chiến đấu trước khi một lực lượng an ninh khác có thể tiếp quản dải đất này. Quân đội Israel ước tính đã tiêu diệt khoảng một nửa số chiến binh Hamas mà họ tin là đang hoạt động ở Gaza khi bắt đầu chiến tranh.
Nhà phân tích Asher Fredman của Misgav cho biết: "Có thể sẽ có khoảng thời gian một năm hoặc năm năm, hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn, mà chúng ta cần một số loại hình quản lý quân sự". Fredman cũng nói rằng Misgav đã giúp hình thành kế hoạch mà các thành viên đảng Likud của ông Netanyahu đưa ra hồi đầu năm nay, bao gồm việc tạo ra một vành đai an ninh xung quanh Gaza và hai hành lang của Israel cắt ngang chiều rộng của dải Gaza.
Theo kế hoạch, Bắc Gaza sẽ không được tái thiết, và người Palestine ở đó sẽ không được phép trở về nhà cho đến khi mạng lưới đường hầm dài hàng trăm km của Hamas bị phá hủy. Giống như kế hoạch “bong bóng”, Misgav muốn tạo ra các khu vực giảm leo thang, nơi viện trợ có thể được chuyển giao bởi quân đội Israel hoặc lực lượng quốc tế, nhưng không đưa ra được ý tưởng về quản trị.
Những lựa chọn khác là gì?
Một kế hoạch khác đến từ một tổ chức phi lợi nhuận do một cựu giám đốc tình báo quân sự Israel đứng đầu, lập luận rằng các cuộc tấn công ngày 7/10 và cuộc chiến tranh sau đó khiến người Israel và người Palestine không còn có thể hợp tác với nhau một cách thiện chí nữa. Kế hoạch này, vì thế, ủng hộ việc hợp tác với Mỹ và các chính phủ Ảrập để thành lập một cơ quan quản lý Palestine mới nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố chống lại Israel.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa sự miễn cưỡng của người Ảrập trong việc tham gia vào Gaza mà không có cam kết hướng tới giải pháp hai nhà nước và sự từ chối giải quyết vấn đề của ông Netanyahu, đề xuất cho biết các cuộc thảo luận về việc thành lập nhà nước Palestine nên bắt đầu 5 năm sau chiến tranh.
Một kế hoạch khác do Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington công bố cũng ủng hộ cách tiếp cận theo kiểu liên minh đối với cuộc xung đột nhưng kiềm chế kêu gọi Israel xem xét việc thông qua một nhà nước Palestine. Kế hoạch này nói rằng Mỹ nên thành lập một lực lượng cảnh sát quốc tế để quản lý an ninh ở Gaza và theo thời gian sẽ giao công việc này cho một chính quyền Palestine chưa được xác định.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Robert Silverman, đồng tác giả của kế hoạch, cho biết nhóm của ông đã thảo luận với các quan chức Israel trong nhiều tháng, thậm chí thay đổi một số phần của đề xuất để phù hợp hơn với mục tiêu chiến tranh và động lực chính trị của Israel, nhưng kế hoạch đã bị đình trệ tại văn phòng Thủ tướng Netanyahu.
Ông Silverman nói về “Ông Netanyahu tin rằng chúng ta nên kết thúc cuộc chiến trước rồi mới lên kế hoạch cho thời hậu chiến. Tất cả những người đã làm điều này trước đây đều nói rằng quan điểm đó là một sai lầm lớn”.
Một tài liệu khác, do các học giả Israel soạn thảo, đã được chuyển đến bàn làm việc của Thủ tướng Netanyahu, dựa trên các tiền lệ lịch sử trong việc tái thiết các vùng chiến sự ở Đức và Nhật Bản sau Thế chiến II, và gần đây hơn là ở Iraq và Afghanistan. Tài liệu này xem xét cách giải quyết học thuyết Hồi giáo của Hamas bằng cách học hỏi từ sự thất bại của các hệ tư tưởng như chủ nghĩa Quốc xã và Nhà nước Hồi giáo.
Theo các học giả soạn thảo tài liệu, quá trình phi cực đoan hóa giáo dục và tìm ra đội ngũ lãnh đạo mới sẽ lâu dài và phức tạp và cần phải bắt đầu càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình nhân đạo ở Gaza đang rất báo động.
Tất cả các kế hoạch được đưa ra đều giả định rằng Israel cuối cùng sẽ khiến Hamas không còn tồn tại về mặt chính trị và quân sự. Song những người chỉ trích chính phủ Israel về chính sách hiện tại của Tel Aviv với Gaza cho rằng đó là một điểm mù. Bởi lẽ, nó bỏ qua tham vọng và ý chí của Hamas.
Lực lượng này có kế hoạch riêng cho Gaza sau chiến tranh, với mục tiêu ít nhất là duy trì quyền kiểm soát an ninh đối với dải đất và vẫn là một thế lực trong nền chính trị Palestine. Các tiểu đoàn chính quy của Hamas đã bị đánh bại, nhưng khả năng quân sự còn lại vẫn đảm bảo họ trở thành lực lượng Palestine mạnh nhất ở Gaza. Và dĩ nhiên, Hamas không bằng lòng nếu bị gạt ra ngoài lề. Vì thế, Tiến sĩ Ehud Yaari - thành viên của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cảnh báo: “Israel cần nhớ rằng, Hamas cũng đang xây dựng kế hoạch Ngày Sau của riêng họ”.
Ngày đăng: 08:52 | 04/07/2024
Nguyễn Khánh / antg.cand.com.vn