Tổng thống Mỹ muốn dùng bất ổn để ngăn các công ty đầu tư ra ngoài Mỹ, đồng thời gây rạn nứt các nền kinh tế ông đang đàm phán.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump đến nay vẫn dùng thuế nhập khẩu là một trong những công cụ quyền lực nhất trong chiến tranh thương mại, nhưng ông cũng sử dụng một vũ khí khác, đó là sự bất ổn. Bằng những lời đe dọa về thương mại và sự nghi ngờ ông gieo cho toàn cầu về tương lai những mối quan hệ dài hạn nhất của Mỹ, Trump đã tạo ra một nền kinh tế bất ổn. Đây chính là điều cản trở phân tích của các nhà kinh tế hàng đầu.
"Tôi không thể nghĩ ra chúng ta đã chứng kiến cách tiếp cận này trước đây hay chưa", Maurice Obstfeld - kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cho biết. Bất ổn từ lâu đã được coi là điều tồi tệ với tăng trưởng, kìm hãm đầu tư và làm rối loạn thị trường tài chính, Obstfeld chỉ ra. "Không tổng thống nào lại cố tình muốn tăng yếu tố bất ổn trong các quyết định chính sách của mình", ông cho biết.
Mục tiêu của ông Trump là dùng bất ổn để ngăn các công ty đầu tư ra ngoài Mỹ, đồng thời gây rạn nứt nền kinh tế của các quốc gia ông đang đàm phán. Thông điệp ở đây là nếu không muốn bất ổn, hãy xây nhà máy ở đây và giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Tổng thống Mỹ - Donald Trump trong một cuộc gặp song phương tại G20 tuần trước. Ảnh: Bloomberg |
Dù vậy, đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy cách tiếp cận này cho kết quả đáng kể. Bên cạnh đó, lại có một số dấu hiệu Trump phải giải quyết mặt trái của chiến lược này.
Bằng chứng rõ ràng nhất là hôm thứ ba, khi các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm tới hơn 3%, một phần vì nhà đầu tư nghi ngờ các chi tiết về quyết định đình chiến sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước cuối tuần trước. Không chỉ Wall Street, sự thiếu chắc chắn - một phần do Trump - còn kéo tụt đầu tư tại Mỹ, từ các bang tập trung vào nông nghiệp tại Mỹ (do thuế trả đũa của Trung Quốc) đến các khu trung tâm công nghiệp
Dĩ nhiên, không phải toàn bộ điều này đều do ông Trump hay thương mại. Trong báo cáo Beige Book được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm qua, lãi suất tăng và thị trường lao động thắt chặt cũng là nguyên nhân doanh nghiệp khắp nước Mỹ kém lạc quan. "Nhiều công ty đã hoãn kế hoạch đầu tư, do triển vọng bất ổn", nhất là về thương mại, Fed Minneapolis cho biết.
"Việc ông Trump dùng bất ổn làm công cụ trong chiến tranh thương mại tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm và tác hại", Steven Davis – Giáo sư tại Trường kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago cho biết, "Tôi không biết có tổng thống Mỹ nào khác dùng cách này không, nhưng rõ ràng là nó gây tổn hại đến lợi ích của cả Mỹ và các nước khác".
Một ảnh hưởng khác để thấy là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ giảm. Năm 2017, vốn dài hạn nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Mỹ giảm 40% so với năm trước đó. Trong quý II năm nay, FDI vào Mỹ giảm lần thứ 6 kể từ năm 1982, Nancy McLernon – người đứng đầu Tổ chức Đầu tư Quốc tế - đại diện cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ - cho biết.
Những lời đe dọa của ông Trump đã khiến nhiều công ty nước ngoài cam kết tăng đầu tư vào đây. Sau một cuộc họp tuần này tại Nhà Trắng để bàn bạc về nguy cơ Mỹ đánh thuế xe nhập khẩu, CEO Volkswagen - Herbert Diess cho biết sẽ cân nhắc xây nhà máy thứ hai tại Mỹ.
Dù vậy, McLernon cho biết phần lớn thành viên của họ chọn hoãn đầu tư, hơn là vội vã đổ tiền. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ để xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc các nước khác đang mắc kẹt trong chiến tranh thương mại với Mỹ. "Căng thẳng thương mại có tác động hoàn toàn ngược lại với mục đích ban đầu", bà nhận xét.
Một ví dụ khác là hãng sản xuất motor Harley Davidson. Họ đã chuyển sản xuất từ Mỹ sang châu Âu, do thuế nhập khẩu trả đũa của EU. Tương tự, xuất khẩu của BMW từ nhà máy ở Nam Carolina sang Trung Quốc giảm mạnh vì thuế trả đũa từ Trung Quốc.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính toán chỉ riêng việc niềm tin toàn cầu suy giảm do chiến tranh thương mại đã khiến tăng trưởng thế giới mất 0,1%. Năm tới, GDP toàn cầu được dự báo tăng 3,7%. Tuy nhiên, tác động trên diện rộng mà sự bất ổn gây ra với các quyết định đầu tư và kinh tế toàn cầu rất khó định lượng, Obstfeld cho biết.
Một vấn đề khác với Trump là "dường như không điều gì có thể khiến sự bất ổn biến mất mãi mãi, để các công ty quay lại hoạt động kinh doanh bình thường", Obstfeld cho biết. Một ví dụ là việc Mỹ ký hiệp định NAFTA mới với Canada và Mexico tuần trước, và thông báo của ông Trump về việc rút khỏi hiệp định NAFTA cũ. Động thái này nhằm gây sức ép buộc đảng Dân chủ phê chuẩn hiệp định mới. Tuy nhiên, nó cũng ngay lập tức khôi phục tình thế bất ổn đã khiến doanh nghiệp Bắc Mỹ lo lắng hai năm qua.
Tương tự với nỗ lực đạt thỏa thuận của Trump với Trung Quốc, để đạt bất kỳ sự đồng thuận nào, họ cũng cần hơn 90 ngày. Thậm chí, nếu có, thỏa thuận đó cũng có thể chỉ là sự chắp vá của các điều khoản nhượng bộ hơn là giải quyết được tận gốc sự bất ổn.
Tàu sân bay Trung Quốc "hứng đòn" vì chiến tranh thương mại với Mỹ
Thiếu ngân sách do chiến tranh thương mại và trục trặc trong dự án tiêm kích hạm khiến chương trình tàu sân bay Trung Quốc ... |
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Trump dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng Trung Quốc
Tổng thống Mỹ nói rất khó chấp thuận đề nghị hủy mức thuế của Trung Quốc và dọa đánh thuế với 267 tỷ USD hàng ... |
Ngày đăng: 09:08 | 07/12/2018
/ VnExpress