Tai nạn giao thông (TNGT) nói chung, TNGT đường bộ nói riêng, là vấn nạn toàn cầu. Cùng với sự phát triển xã hội, thì thật đáng tiếc là TNGT cũng tăng lên, bất chấp mọi nỗ lực kéo giảm. Tại Việt Nam ta, TNGT cũng hết sức nhức nhối, là nỗi đau khôn nguôi của những gia đình không may có người chết, bị thương vì TNGT. Năm nay, khi “Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ” lại đến, thì vấn đề này một lần nữa làm chúng ta day dứt.

Lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT tại chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1993, Tổ chức Hoà bình đường bộ đã khởi xướng “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ”. Hành động đó đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia. Cho tới ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày Thế giới Tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) toàn cầu.

Cùng với sự chia sẻ mất mát với người không may thiệt mạng vì TNGT cùng người thân của người xấu số thì ngày này cũng là dịp nhắc nhở tất cả mọi người, mọi quốc gia hãy cùng nỗ lực cải thiện an toàn giao thông, nhất là giao thông đường bộ. Ngày tưởng nhớ ấy cũng là để người sống hiểu sâu hơn về sự mất mát, cả về tinh thần lẫn vật chất, đồng thời ghi công những lực lượng cứu hộ và hỗ trợ người không may bị TNGT, những người sẵn lòng giúp đỡ người bị nạn.

Ngày 19/11/2012, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam phát động kế hoạch hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ. Sau 1 năm, ngày chủ nhật của tuần lễ thứ 3 tháng 11 chính thức trở thành ngày tưởng niệm TNGT thường niên trong phạm vi cả nước. Trong ngày này, cùng những hoạt động tưởng nhớ, nhiều địa phương còn tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã mất vì TNGT.

Dù với rất nhiều nỗ lực, nhiều giải pháp nhằm kéo giảm TNGT, nhưng trên phạm vi cả nước thì đây vẫn là vấn đề hết sức nhức nhối. Tới thời điểm hết tháng 10 năm nay, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cả nước có hơn 6.800 người chết vì TNGT. Đây là con số rất lớn, không chỉ 6.800 người không may thiệt mạng, mà còn nhiều hơn nữa số người phải mang thương tật suốt đời, và còn nhiều hơn nữa những người thân của họ đau đớn, vật vã.

Sáng 12/11, tại tổ đình Vĩnh Nghiêm (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), hàng ngàn người đã tham gia Lễ cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2017. Buổi lễ do Ban An toàn giao thông TP HCM kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM tổ chức. Lễ cầu siêu khiến mọi người rơi nước mắt, thương nhớ những người đột ngột chấm dứt cuộc đời. Đây là năm thứ 6 lễ cầu siêu được tổ chức tại TP HCM và là năm thứ 4 liên tiếp Ban An toàn giao thông TP HCM phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Phát biểu tại Lễ cầu siêu, ông Nguyễn Ngọc Tường- phó trưởng ban chuyên trách ban An toàn giao thông TP HCM chia sẻ, với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, Lễ cầu siêu góp phần cảnh báo người tham gia giao thông về hậu quả của TNGT, từ đó nâng cao ý thức của người dân giúp hạn chế tai nạn.

Trong 10 tháng qua, thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tính trung bình, cứ mỗi ngày có gần 23 người chết vì TNGT. Theo ông Khuất Việt Hùng- phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 8.760 người chết vì TNGT.

Về nguyên nhân gây ra TNGT có rất nhiều, có cả từ phía người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện. Nhìn chung, ở cả hai phía, thì sự bất cẩn nổi lên là nguyên nhân chính. Người đi đường bất cẩn, lái xe bất cẩn- từ đó dẫn đến những tai nạn đau lòng. Đáng chú ý, thời gian qua có nhiều vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng, làm chết nhiều người, bị thương nhiều người, phương tiện giao thông bị hư hỏng hoàn toàn. Đó là những chuyến xe khách. Theo cơ quan chức, những vụ tai nạn ấy do lỗi của lái xe là chính, khi họ chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, vượt ẩu, không chịu nhường đường, kể cả có lái xe ngủ gật trong khi lái. Coi thường mạng sống bản thân đã đành, họ còn coi thường tính mạng của hàng chục hành khách trên xe, coi thường tính mạng của người đi đường.

Nói đến những vụ TNGT thảm khốc, nhiều người chưa thể quên vụ tai nạn khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương, xảy ra thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Khoảng 4h35 rạng sáng 7-5, xe khách mang BKS 18B - 018.32 (có 43 người trên xe) và xe tải chở 20 tấn phân bón mang BKS 77C - 139.37 (có 2 người trên xe, đã va chạm trên Quốc lộ 14 (đoạn đi qua thị trấn Chư Sê), khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương. Nguyên nhân chính, tài xế lái xe tải chạy ngược đường với xe khách, tốc độ rất nhanh: trên 100km/h suốt một quãng đường dài.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ TNGT nghiêm trọng mà hậu quả để lại rất thảm khốc. Trong ngày tưởng nhớ nạn nhân TNGT đường bộ năm nay, người viết bài này cố quên đi những vụ TNGT nghiêm trọng khác, bởi đó là việc quá đau lòng. Vấn đề ở chỗ, cần làm gì để giảm bớt số vụ TNGT, để xã hội bớt đi một nỗi đau, thân nhân của người gặp nạn không phải sống chung với nỗi đau suốt cuộc đời. Ở đây, cũng lại phải quay về với nguyên nhân chính: Sự bất cẩn của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông. Nếu một trong hai đối tượng này coi thường TNGT thì dù cho có nhiều giải pháp đến đâu chăng nữa từ phía cơ quan chức năng thì cũng rất khó hạn chế TNGT và như thế, nỗi đau vẫn mãi kéo dài.

Trong di sản của đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh”- hay còn gọi là Văn chiêu hồn, Văn tế chiêu hồn có vị trí rất đặc biệt. Theo GS Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Du viết tác phẩm này trước cả Truyện Kiều, khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Trong đó có đoạn: “Gặp phải lúc đi đường lỡ bước/ Cầu Nại Hà kẻ trước người sau/ Mỗi người một nghiệp khác nhau/ Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?”. Thời của Nguyễn Du chưa có TNGT, nhưng những người không may chết đường chết chợ, không được nhắm mắt xuôi tay trong ngôi nhà của mình đã làm trái tim nhà thơ rỉ máu.

Năm nay, Ngày tưởng nhớ các nạn nhân TNGT lại đến, xin được thắp một nén tâm nhang cho những người đã khuất; xin được sẻ chia nỗi vất vả nhọc nhằn của những người không may do TNGT phải mang thương tật suốt đời. Và hãy cùng một lần nữa nhắc nhau: Cẩn trọng, vì TNGT là tai nạn bất thình lình và vô cùng đau đớn.

Hải Phòng tổ chức lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì TNGT

9h30, ngày 17/11 tại chùa Phúc Ân, TP.Hải Phòng sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT.

Nạn nhân tai nạn giao thông dự khuyết

Hằng ngày, người Việt chăm chú theo dõi tin tức thời sự, cảm xúc với các kỳ thi mỹ nữ, những ngôi sao ca nhạc, ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/gap-phai-luc-di-duong-lo-buoc-386236

Ngày đăng: 14:40 | 19/11/2017

/ Nam Việt/daidoanket.vn