Chỉ vì lợi ích, đồng tiền mà có những kẻ đã đang tâm đầu độc, gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, làm suy thoái giống nòi.

Thịt heo bị tiêm thuốc an thần gây hại cho người ăn như thế nào?
Heo bị bơm thuốc mê hay sự “mê ngủ” tại những lò mổ…
Số heo bị tiêm thuốc an thần bị đề nghị tiêu hủy. Ảnh: C49B cung cấp

Không thể nói khác về bản chất, nguồn gốc vụ việc gần 4.000 con heo chuẩn bị giết mổ tại khu giết mổ gia súc Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM), bị tiêm thuốc an thần mà công an bắt quả tang vừa qua.

Chắc chắn, đây không phải là lần đầu, bởi để bắt quả tang, Công an TPHCM đã có quá trình theo dõi, lập chuyên án.

Xuyên Á là lò mổ lớn nhất TPHCM, số heo tại thời điểm thanh tra chiếm hơn 50% trong tổng số heo sẽ cung ứng ra toàn thị trường mỗi ngày.

Vụ việc hết sức nghiêm trọng, bởi thịt heo đã bị tiêm thuốc an thần, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Theo các chuyên gia, người sử dụng sản phẩm có chứa tồn dư thuốc an thần có thể dẫn tới các triệu chứng hạ huyết áp, tình trạng lừ đừ, không tập trung, tăng cân, khô miệng, táo bón, dị ứng, buồn ngủ, trầm cảm kéo dài, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...; nếu tương tác với các thuốc khác có thể làm tình trạng lâm sàng phức tạp hơn. Tình trạng trầm trọng hơn đối với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận.

Nguy hại là ở chỗ, các tác hại của nó không diễn ra cấp tính, mà cứ từ từ, hủy hoại cơ thể mà người dân không biết rõ nguyên nhân. Mặt khác, thịt lợn có tồn dư thuốc an thần cũng rất khó phát hiện; thậm chí còn bắt mắt.

Hiện tượng nói trên đã diễn ra khá phổ biến, trong thời gian dài. Nhiều cơ sở vi phạm đã bị bắt, xử lý; báo chí đã phản ánh nhiều.

Các chủ cơ sở biết rõ, việc làm nói trên là nguy hại và bị nghiêm cấm, nhưng họ vẫn làm, thậm chí với quy mô khủng khiếp như vụ việc nêu trên. Vì đồng tiền, vì lòng tham, họ bất chấp, sẵn sàng gây tội ác.

Nguy hại hơn, có dấu hiệu cho thấy những cán bộ ăn lương để làm nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn lại làm ngơ, tiếp tay cho tội ác.

Liên quan vụ việc nói trên, 17 cán bộ Chi cục Thú y phải viết giải trình, trong đó có cả lãnh đạo Trạm Thú y Củ Chi. Họ bị tình nghi tiếp tay, nhận tiền của thương lái để bỏ qua sai phạm.

Thật khó để biện minh: “Không rõ”, “không kiểm soát hết”, hay thủ phạm dùng “thủ đoạn tinh vi”, bởi với số lượng lợn bị tiêm thuốc lên tới gần 4.000 con, thì đó là “trắng trợn”, ngang nhiên.

Cần làm gì? Hình phạt nghiêm minh, kiểm tra, kiểm soát gắt gao, thương lái sẽ không dám làm càn.

Nhưng, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, nguy hại sẽ còn trường kỳ, thậm chí thất bại, nếu còn có những “con mèo” lại quay ra “liên minh” với “chuột”, đẩy “thượng đế” vào chỗ chết.

https://laodong.vn/dien-dan/gan-4000-con-heo-bi-tiem-thuoc-an-than-khi-meo-lien-minh-voi-chuot-567845.ldo

Ngày đăng: 14:22 | 03/10/2017

/ Quang Đại/Báo Lao động