Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2020 đến giữa 2022, có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư.
Sáng 7/7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành nội vụ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc cần được rà soát, đánh giá trung thực, khách quan, cần tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức thôi việc và tuyển dụng mới. Tinh thần là nâng cao chất lượng công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm.
Nửa đầu năm, toàn quốc đã tuyển dụng được hơn 14.200 công chức, viên chức, trong đó có hơn 2.200 công chức và khoảng 12.000 viên chức. Số lượng này đã kịp thời bổ sung vào vị trí những người đã thôi việc.
Các địa phương cũng đã tinh giản được 127 người, trong đó có 12 công chức; sắp xếp 115 tổ chức bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện và 226 đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư; trong đó có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức. Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%.
Trung bình số người thôi việc mỗi năm 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế.
Năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022.
Còn tại TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022 ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, mức cao nhất trong 7 năm gần đây.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Bộ Nội vụ đang xây dựng văn bản sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 và thực hiện các quy định mới về tinh giản biên chế. Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt.
Bộ cũng đang tham mưu cơ chế tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Việc phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức cũng đang được xây dựng.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối. Vì vậy đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng cung ứng dịch vụ. Số người làm việc hưởng lương từ ngân sách và số người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp chưa được cơ cấu lại.
"Còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến chậm tiến độ", ông Minh nói.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; trách nhiệm thực thi công vụ sẽ được cá thể hóa đến từng công chức, người đứng đầu.
Ngày đăng: 14:50 | 07/07/2023
Phùng Đô / Báo Giao thông