Số người nhiễm và chết vì nCoV trên toàn cầu tăng lên lần lượt 198.178 và 7.965, hàng nghìn ca nhiễm mới được báo cáo tại nhiều nước châu Âu.
Covid-19 tiếp tục lan rộng khi xuất hiện tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu trở thành tâm dịch toàn cầu với số ca nhiễm mới tăng mạnh ở một số quốc gia như Italy, Đức, Pháp.
Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới, thêm 3.526 ca nhiễm mới và 345 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và người chết trên toàn quốc lên 31.506 và 2.503. Tỷ lệ tử vong 7,94%, cao gần gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,02%
Đức xuất hiện thêm hơn 2.000 trường hợp dương tính, đưa số ca nhiễm lên 9.367, song số ca tử vong vẫn ở mức thấp, 26 ca. Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan liên bang phụ trách kiểm soát dịch bệnh tại Đức cho biết cảnh báo rủi ro Covid-19 ở nước này đã chuyển từ mức "vừa phải" lên "cao" do số ca nhiễm tăng liên tục trong những ngày qua, đồng thời ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế sắp quá tải.
Tây Ban Nha và Pháp báo cáo thêm hơn 1.000 trường hợp dương tính, đưa số ca nhiễm lên lần lượt là 11.826 và 7.730. Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày từ 14/3, chính phủ Tây Ban Nha quyết định phong tỏa toàn quốc, cấm lưu thông trên đường. Madrid cũng siết chặt kiểm soát biên giới, chỉ cho phép công dân và thường trú nhân, công nhân làm việc xuyên biên giới, các nhà ngoại giao và những người có lý do bất khả kháng được nhập cảnh.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố đất nước "đang có chiến tranh" với nCoV. Ông ra lệnh cho người dân ở yên trong nhà, chỉ ra ngoài nếu thực sự cần thiết, người vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, khi ghi nhận 1.178 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 16.169. Tehran ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp để chống Covid-19 song chưa cho thấy hiệu quả, thể hiện ở số ca nhiễm và tử vong tăng lên mỗi ngày.
Iran bắt đầu phong tỏa toàn quốc ngày 13/3, lực lượng an ninh nhận lệnh "dọn sạch đường phố" và toàn bộ người dân được theo dõi trong 10 ngày tới. Nhà chức trách đã đề nghị mua hơn 170 triệu khẩu trang từ nước ngoài, đồng thời đề xuất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỷ USD để đối phó với dịch bệnh.
Nhân viên y tế chuyển quan tài của cụ bà 87 tuổi qua đời vì nhiễm nCoV ở Laigueglia, vùng Liguria hôm 1/3. Ảnh: AP. |
Tại Mỹ, số ca nhiễm tăng lên 6.437 sau khi xuất hiện thêm 1.774 ca nhiễm mới. Mỹ cũng ghi nhận thêm 23 trường hợp tử vong, đưa số ca tử vong lên 109. Dịch bệnh đã được báo cáo tại toàn bộ 50 bang của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump đã ban hành hướng dẫn nhằm làm chậm sự lây lan của nCoV trong 15 ngày. Theo đó, ông kêu gọi người dân tránh tụ tập các nhóm hơn 10 người, tránh ăn uống tại các quán bar, nhà hàng, các khu ẩm thực, làm việc hoặc học tập ở nhà bất cứ khi nào có thể, "tránh đi lại tùy tiện, mua sắm và các chuyến thăm viếng xã giao". Hướng dẫn cũng khuyến cáo người già và những người có bệnh lý nền nên ở nhà, tránh xa những người khác.
Hàn Quốc và Trung Quốc hiện chưa công bố số ca nhiễm và tử vong mới song số liệu những ngày gần đây cho thấy tình hình dịch bệnh tại hai nước này đang được kiểm soát.
Tại Đông Nam Á, Malaysia phong tỏa toàn quốc, yêu cầu công dân không ra nước ngoài và cấm người nước ngoài nhập cảnh khi 673 người nhiễm nCoV, trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực. Malaysia ngày 17/3 ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Bệnh nhân là một mục sư 60 tuổi, gần 200 người tiếp xúc gần với ông đang được cách ly tại nhà.
Thế giới ghi nhận thêm 803 ca tử vong, phần lớn tại các nước châu Âu, đưa số người chết vì nCoV lên 7.965, đa phần là người cao tuổi và có bệnh lý nền. Hơn 41% số nhiễm, tức 81.729 người, đã hồi phục.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, Worldometer)
Trụ sở WHO ghi nhận hai ca nhiễm nCoV |
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản nhiễm nCoV |
Tây Ban Nha: Số ca nhiễm nCoV vượt 10.000, số ca tử vong tăng mạnh |
Ngày đăng: 07:23 | 18/03/2020
/ vnexpress.net