Thế giới ghi nhận gần 125 triệu người nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, Putin đã tiêm vaccine Covid-19 Nga sản xuất, nhưng hiện chưa rõ loại nào.
Thế giới đã ghi nhận 124.762.183 ca nhiễm nCoV và 2.744.874 ca tử vong, tăng lần lượt 502.494 và 10.473, trong khi 100.688.905 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/3 được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, trở thành lãnh đạo mới nhất trên thế giới tiêm vaccine phòng đại dịch, bên cạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden, Giáo hoàng Francis và Nữ hoàng Anh Elizabeth. Tuy nhiên, không như những lãnh đạo khác được tiêm phòng công khai, việc tiêm phòng của Putin diễn ra riêng tư.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận lãnh đạo 68 tuổi của Nga đã được tiêm vaccine. "Tổng thống Putin đã được tiêm vaccine Covid-19. Ông cảm thấy khỏe mạnh và sẽ làm việc cả ngày mai", Peskov cho hay.
Trước đó, Peskov nói rằng Putin không muốn tiêm vaccine trước ống kính. "Chúng tôi sẽ không công khai, các bạn sẽ được thông báo", Peskov nói với phóng viên, thêm rằng Putin được tiêm một trong ba loại vaccine Nga sản xuất, nhưng không công bố tên vaccine Tổng thống đã tiêm vì "có chủ đích". "Cả ba loại vacine của Nga đều đã chứng minh được hiệu quả và độ tin cậy".
Nga đã phát triển ba loại vaccine Covid-19, gồm Sputnik V, EpiVacCorona và CoviVac, song phần lớn sự chú ý tập trung vào Sputnik, được đặt theo tên vệ tinh đầu tiên được Liên Xô phóng lên vũ trụ.
Chiến dịch tiêm chủng của Nga diễn ra chậm hơn so với nhiều nước nhưng Peskov cho biết Putin không cần phải tiêm vaccine nơi công cộng để khuyến khích người Nga bởi "Tổng thống đang làm rất nhiều việc để quảng bá vaccine".
Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 4.474.610 ca nhiễm và 95.818 ca tử vong, tăng lần lượt 8.457 và 427 trong 24 giờ qua. Hiện mới khoảng 4 triệu trong số 144 triệu người dân tại Nga được tiêm đủ hai mũi vaccine, trong khi hai triệu người khác đã được tiêm mũi đầu tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến về sản xuất vaccine Covid-19 với nhân viên y tế tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva hôm 22/3. Ảnh: AFP. |
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.630.279 ca nhiễm và 556.741 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 53.181 và 794 trường hợp so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ thông báo tính tới ngày 21/3, nước này đã tiêm 124.481.412 liều vaccine Covid-19 từ Moderna, Pfizer/BioNTech và Johnson & Johnson.
Quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh chóng dường như đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan với nhiều người dân Mỹ, khiến họ lơ là các biện pháp chống dịch. Thành phố Miami Beach, bang Florida, cuối tuần qua phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân lũ lượt kéo về bãi biển vui chơi tới mức mất kiểm soát giữa đại dịch.
Ấn Độ báo cáo thêm 47.264 ca nhiễm và 277 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.733.594 và 160.477.
Ca nhiễm ở Ấn Độ tăng trở lại trong những tuần gần đây, khiến một số khu vực phải áp hạn chế tụ tập đông người. Các điểm nóng như bang phía tây Maharashtra và thủ đô Mumbai tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại chỗ ở những khu vực đông đúc.
Ấn Độ hôm 23/3 thông báo sẽ tiêm chủng cho tất cả người trên 45 tuổi kể từ 1/4 nhằm thúc đẩy quá trình tiêm chủng quy mô lớn. Các chuyên gia cho biết Ấn Độ đã tiêm chủng cho gần 50 triệu người nhưng mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người vào cuối tháng 7 đang bị chậm so với kế hoạch.
Cho đến nay, chỉ nhân viên "tuyến đầu", người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do Ấn Độ phát triển Bharat Biotech.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 14.678 ca nhiễm và 287 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.313.073 và 92.908.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 23/3 cho biết sẽ đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng kể từ tháng 4. Pháp đang đối phó sóng Covid-19 thứ ba, nhưng tụt hậu so với nhiều nước phương Tây về số lượng người được tiêm chủng. Pháp hiện tiêm được 8,8 triệu liều, so với hơn 30 triệu ở Anh và gần 11 triệu ở Đức.
Xu hướng tiêm chủng tăng nhanh những tuần gần đây, song ca nhiễm cũng tăng đột biến. Với việc các bệnh viện ở một số khu vực bị quá tải, chính phủ đặt 1/3 dân số vào tình trạng phong tỏa và công bố kế hoạch thành lập 35 trung tâm tiêm chủng đại trà. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngày càng nhiều người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.
Anh, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, báo cáo 4.307.304 người nhiễm và 126.284 người chết, tăng lần lượt 5.379 và 112 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.
Bộ trưởng phụ trách vaccine Nadhim Zahawi cho biết tính đến 20/3, nước này đã tiêm 873.784 mũi vaccine Covid-19 cho người dân, mức cao kỷ lục trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này.
Anh hôm 23/3 đánh dấu một năm đất nước áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19. Nhiều địa điểm ở Anh đã được thắp sáng để tưởng nhớ những người đã chết trong đại dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân chết vì Covid-19 sẽ được xây dựng vào thời điểm thích hợp, sau lời kêu gọi từ các bác sĩ, giáo viên và y tá.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.471.225 ca nhiễm, tăng 5.297, trong đó 39.865 người chết, tăng 154.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vaccine.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 677.653 ca nhiễm và 12.992 ca tử vong, tăng lần lượt 5.867 và 20 ca.
Philippines từ 22/3 mở rộng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 từ thủ đô Manila sang 4 tỉnh lân cận gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal. Các biện pháp hạn chế gồm giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập đông người và chỉ đi lại khi cần thiết.
Theo thống kê của AFP, tính đến 22/3, hơn 455 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở 162 vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 56% số liều đã được sử dụng ở các nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,1% được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số toàn cầu.
Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm đảm bảo 92 trong số các nền kinh tế nghèo nhất thế giới có thể tiếp cận vaccine, với chi phí từ các nhà tài trợ. Chương trình hiện phân phối hơn 31 triệu liều cho 57 quốc gia và đặt mục tiêu phân phối đủ liều để tiêm chủng cho 27% dân số ở 92 nền kinh tế đó vào cuối năm nay.
Huyền Lê (Theo AFP, Worldometer)
Tổng thống Hàn Quốc tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca |
Quan chức EU: Châu Âu "hoàn toàn không cần" vaccine Sputnik V của Nga |
Ông Putin cảnh báo căng thẳng toàn cầu có thể gia tăng khó kiểm soát |
Ngày đăng: 08:14 | 24/03/2021
/ vnexpress.net