Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 nên có gần 100 lao động từ các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An đến xã miền núi xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang làm thuê, khai thác, chăm sóc cây keo rừng trồng, đang “mắc kẹt” giữa rừng đã gần 2 tháng nay. Nhóm lao động này đang sống rất khó khăn vì thiếu lương thực, thực phẩm...
Từ thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, lội bộ hơn 10 cây số, vượt qua hầm Mũi Trâu cao tốc La Sơn-Túy Loan, qua Trạm kiểm soát lâm sản Tà Nô, giáp ranh với địa phận huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế, qua nhiều khe suối, chúng tôi mới đến được lán trại của một nhóm người làm rừng.
Đã xế trưa, dãy lán trại tạm bợ, che bằng mấy tấm bạt rách nát vắng hoe, chỉ có vài phụ nữ và 2 đứa trẻ đang xúm xít nhặt mớ rau rừng vừa hái được. Thấy người lạ đến, một phụ nữ mặt sạm nắng, tuổi ngoài 40 tỏ vẻ ngại ngùng, cho chúng tôi biết, những người đàn ông đi câu cá, kiếm thức ăn chưa về. Lấy 2 gói bánh mua ở quán ven đường lúc ở thôn Tà Lang cho các cháu nhỏ, rồi chúng tôi hỏi chuyện.
Sau một hồi do dự, người phụ nữ mới bảo, chị có họ, tên đầy đủ là Đinh Thị Bỏ, người dân tộc thiểu số Hrê. Nhóm làm thuê của chị có 16 người, trong đó có 10 người đàn ông, 4 phụ nữ và 2 trẻ nhỏ, đều là người dân tộc Hrê, quê ở thôn Lùng Mày, xã Sơn Bao, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi).
Chị Bỏ kể, ở quê chị cũng trồng rừng, trồng sắn thuê nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Đầu tháng 6/2021, nghe lời một người trong thôn bảo, ra xã Hòa Bắc đi chặt keo thuê, mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn đồng, chị mừng lắm. Thế là chị cùng một số người ở cùng thôn rủ nhau đi.
Ngoài vợ chồng chị, còn có một số người của nhà anh Đinh Văn Danh, vợ chồng chị Đinh Thị Máy còn mang theo 2 đứa con nhỏ là cháu là Đinh Ngọc Thái mới học lớp 5, cháu gái Đinh Thị Khả mới học lớp 2. “Nghĩ cho mấy đứa nhỏ đi chơi cho vui, rồi đầu năm học mới về nhập lớp cũng được. Thế nhưng, bây giờ ngày khai giảng đã qua, các cháu vẫn chưa thể về quê để tới trường”, chị Bỏ thở dài đánh sượt.
Lát sau chị kể tiếp, khi ra đến TP Đà Nẵng, nhóm của chị được người giới thiệu dẫn thẳng lên thôn Tà Lang, Hòa Bắc, để khai thác keo rừng trồng cho một chủ rừng quê ở xã Hòa Ninh. Công việc được làm theo hình thức khoán khối lượng, cứ khai thác 1 tấn gỗ keo, họ được chủ rừng trả 260 nghìn đồng.
Từ nơi xa đến, lại không có đầy đủ phương tiện, cả nhóm làm quần quật cả ngày dưới nắng như đổ lửa cũng chỉ khai thác được chừng 12 tấn keo mỗi ngày, trừ chi phí ăn uống, mỗi người còn lại chưa được 200 nghìn đồng…
Thế nhưng, làm được khoảng 20 ngày thì nhận được thông tin, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, toàn TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, người dân không được ra khỏi nơi cư trú, nếu đi lại phải có giấy phép. Chủ rừng cũng phải ngừng công việc khai thác gỗ keo, vì phương tiện chở gỗ keo không thể hoạt động. Cả nhóm của chị Bỏ đành phải tạm nghỉ để chờ dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục công việc.
“Chờ 10 rồi 15 ngày, số tiền công ít ỏi đã chi tiêu hết, lại tiếp tục nhận được thông tin, TP Đà Nẵng tăng cường giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”, vì dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Khốn nỗi cả nhóm ở trong rừng không có sóng điện thoại và cũng không thể liên lạc được với chủ rừng để xin tiếp tế lương thực, thực phẩm. Mấy anh em trong nhóm bàn nhau đi bộ xuống thôn Tà Lang, rồi tìm cách bắt xe về quê, chứ không thể sống lay lắt thế này được. Rất may, lực lượng Công an xã phát hiện, báo cáo UBND xã, rồi đại diện chính quyền, Công an xã mang lương thực, thực phẩm lên hỗ trợ.
Tổ COVID cộng đồng thôn Tà Lang, bà con trong thôn Tà Lang cũng thương hoàn cảnh của những người lao động xa quê, người cho ít gạo, chai dầu, mắm muối để có cái ăn. Có được ít gạo hỗ trợ, hằng ngày nhóm phân công đàn ông xuống suối, lên rừng bẫy chim, câu cá, còn phụ nữ đi tìm hái rau rừng, bữa rau, bữa cháo cùng nhau.
“Nhưng cứ sống cảnh lay lắt thế này mãi thì không biết ra sao. Nhất là 2 cháu nhỏ, đã lỡ ngày trở về quê để đến trường, lại lo mấy hôm nay trời về chiều thường đổ mưa giông, chúng nó mà lăn ra ốm đau thì không biết xoay xở cách nào...”, chị Bỏ lo lắng nói.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, chính quyền và Công an xã đã rà soát, thống kê xác định, trên địa bàn xã hiện có gần 100 người lao động từ các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An đến làm thuê khai thác, chăm sóc cây keo rừng trồng. Những lao động này sống theo từng nhóm tại các khu vực trồng rừng của các chủ rừng khác nhau.
Do các đợt giãn cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều chủ rừng cũng không thể đi lại để tiếp tế lương thực, thực phẩm nên số lao động trên rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Có những nhóm người lao động đã định bỏ về quê, nhưng UBND xã tuyên truyền vận động người dân ở lại, chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh. Xã đã trích kinh phí để mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ các nhóm người lao động, nhưng số lượng người lao động quá lớn, nên cũng không thể thường xuyên. Xã đã tìm cách liên hệ với các chủ rừng yêu cầu phải tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người lao động.
Cuối tháng 8/2021, một nhóm lao động 15 người ở Ba Tơ, Quảng Ngãi đã bất chấp các quy định phòng, chống dịch bệnh, giữa đêm đi bộ, tìm cách về quê, chính quyền và Công an xã phát hiện, báo cáo Công an huyện, đề xuất Công an TP Đà Nẵng cho xe chở nhóm người lao động này về quê, có Công an xã đi cùng để bàn giao cho địa phương thực hiện cách ly phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
“Hiện nay, UBND xã đã lập danh sách những người lao động tỉnh ngoài tại địa phương, báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét giải quyết cho những người lao động được về quê theo nguyện vọng. Vì chỉ có UBND TP mới có thầm quyền giải quyết vấn đề này. Xã Hòa Bắc mong muốn lãnh đạo TP sớm xem xét giải quyết nhằm tạo điều kiện cho người lao động về quê để ổn định tình hình ANTT tại địa phương”, ông Nam bày tỏ.
Hồng Thanh
Nhiều người bị "mắc kẹt" ở cửa ngõ Thái Bình: Chính quyền lên tiếng |
165 người mắc kẹt ở Đà Nẵng, tố bị lừa đi lao động Hàn Quốc |
Ngày đăng: 09:15 | 10/09/2021
/ cand.com.vn