Các quan chức tài chính cấp cao của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại thành phố Bengaluru ở miền nam Ấn Độ trong tuần này để thảo luận biện pháp giải quyết hàng loạt thách thức đối với tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Tháng 11 tới, Ấn Độ sẽ lần đầu tiên đăng cai Hội nghị thượng đỉnh các nước G20 tại New Delhi. Nằm trong chuỗi các sự kiện hướng đến hội nghị quan trọng này, cuộc gặp quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên G20 sẽ diễn ra ngày 24/2 tại Bengaluru, một trung tâm tài chính và khởi nghiệp nổi bật của Ấn Độ.

Trọng tâm thảo luận của các quan chức tài chính G20 sẽ là việc giảm bớt gánh nặng nợ cho các nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và tình hình chiến sự tại Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác cho biết sẽ đem đến hội nghị vấn đề về "rủi ro của gánh nặng nợ" đối với nhiều quốc gia sau những nỗ lực tiêu tốn nhiều ngân sách để xử lý những tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19.

1.jpg -0
Bộ trưởng Thông tin Ấn Độ Anurag Thakur tại buổi tiếp đón quan chức tài chính quốc tế ngày 22/2. Ảnh Getty Images.

Tuần trước, Ấn Độ đã soạn thảo một đề xuất để dự kiến đưa ra thảo luận với các thành viên G20 nhằm giúp các nước đang ngập trong nợ thông qua việc kêu gọi những nước cho vay, điển hình là Trung Quốc, có thể cắt phần nào các khoản nợ, theo Reuters.

Thêm nữa, bà Janet Yellen và Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner dự kiến sẽ thúc ép Trung Quốc nhanh chóng đưa ra biện pháp giảm nợ cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong các cuộc họp. Giảm nợ cho các nước nghèo cũng là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của bà Yellen khi tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã đến thăm Zambia nhằm thảo luận và tìm hướng giải quyết khoản nợ 6 tỷ USD mà đất nước châu Phi này vay Trung Quốc.

Trong khuôn khổ sự kiện, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có kế hoạch tổ chức một cuộc họp với đại diện từ Ngân hàng Thế giới, quan chức các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Arab Saudi, Mỹ và một số nước khác để thảo luận và cố gắng đi đến đồng thuận về các tiêu chuẩn chung, nguyên tắc và định nghĩa liên quan đến nợ của các quốc gia. Bên cạnh đó, các quy tắc về tiền điện tử, cải cách ngành ngân hàng, thuế quốc tế… cũng nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc họp, mà các lãnh đạo của IMF, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng sẽ tham dự.

Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra đúng dịp một năm sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, gây ra một loạt cú sốc đối với nền kinh tế thế giới, đáng chú ý là lạm phát cao nhất trong thập kỷ qua. Chính vì vậy, mối liên hệ giữa cuộc chiến và nền kinh tế toàn cầu cũng là một trong những vấn đề trọng tâm của hội nghị. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ có bài phát biểu về các tác động kinh tế toàn cầu của chiến tranh trong các cuộc họp G20. Bộ trưởng Tài chính Nga và thống đốc ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ không tham dự các sự kiện có liên quan.

Thêm nữa, vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị sẽ được đưa ra trong các cuộc đàm phán bên cạnh một loạt vấn đề liên quan đến tài chính khí hậu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ được cho là sẽ thúc giục các nước G20 giảm lượng khí thải carbon và đầu tư nhiều hơn vào phát triển năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Tại hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11/2022, Ấn Độ - hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới - đã đề xuất loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch và nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ tài chính khí hậu toàn cầu.

Hội nghị lần này được coi là sự kiện quốc tế lớn, mang đến cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới cơ hội thể hiện những tiến bộ của mình trong thời gian qua với tư cách là một cường quốc kinh tế và vị thế là một nước đi đầu trong các quốc gia đang phát triển. Ấn Độ nằm trong số những quốc gia có bước đi nhẹ nhàng trong bối cảnh đối đầu giữa các quốc gia phương Tây và Nga, mong muốn khẳng định thêm ảnh hưởng toàn cầu trong khi vẫn cảnh giác tránh việc bị lôi kéo vào các cuộc đối kháng khi nền kinh tế của nước này được hưởng lợi từ việc mua dầu thô giảm giá của Nga.

"Ấn Độ có vai trò lãnh đạo ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu", Bộ trưởng Thông tin nước này, Anurag Thakur, cho biết ngày 22/2 khi tiếp đón các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị, đồng thời tái khẳng định lập trường của Thủ tướng Narendra Modi rằng "thời đại ngày nay không phải là của chiến tranh mà đối thoại và thảo luận là cách duy nhất để tiến lên phía trước". Với tư cách chủ trì của hơn 200 cuộc họp G20 tại 28 thành phố hướng đến Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11, ông Modi dự kiến tận dụng cơ hội này để nâng tầm vị thế của Ấn Độ như một nước đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cầu nối giữa lợi ích của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

G20 bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới và có nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên. Năm ngoái, Indonesia là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị thượng đỉnh của nhóm trong khi Brazil và Nam Phi sẽ đảm nhận vai trò này trong hai năm tiếp theo. Các nền kinh tế mới nổi đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu. IMF ước tính rằng chỉ riêng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng góp hơn một nửa trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, các nước châu Á khác đóng góp một phần tư với tốc độ tăng trưởng từ 6% đến 7%. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm nay, thấp hơn so với 6,8% năm vừa qua, theo báo cáo của IMF công bố ngày 20/2.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/g20-ung-pho-thach-thuc-kinh-te-toan-cau-i684408/

Ngày đăng: 09:12 | 23/02/2023

Duy Tiến / cand.com.vn