Các nhà lãnh đạo nhóm những nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 28-6 bày tỏ lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại đối với sự tăng trưởng toàn cầu nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề quan trọng.
Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở TP Osaka trong ngày đầu tiên đã tập trung thảo luận các thách thức chung như thúc đẩy thương mại tự do và tái khởi động đàm phán về vấn đề cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo ông Nishimura, sự đồng thuận hiếm hoi của các nhà lãnh đạo G20 là nhóm này cần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết không có sự nhất trí giữa các thành viên G20 về cách thức cải tổ WTO. Bà Svetlana Lukash, thành viên phái đoàn Nga tham dự G20, cho hãng tin Reuters biết thêm các nhà lãnh đạo G20 cũng gặp khó trong việc tìm kiếm lập trường chung về các vấn đề như bảo mật thông tin, biến đổi khí hậu và di cư. Quan chức này thừa nhận không dễ hoàn tất thảo luận về nội dung các văn kiện cuối cùng của hội nghị. Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản đã tìm cách giảm nhẹ rạn nứt giữa các thành viên G20 trong nhiều vấn đề, đặc biệt thương mại nhưng vẫn chưa mấy thành công.
Một phiên họp của các nhà lãnh đạo G20 hôm 28-6. Ảnh: Reuters
Thương mại là vấn đề gai góc tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, nhất là khi Tổng thống Donald Trump khẳng định ưu tiên của ông tại hội nghị là các thỏa thuận thương mại nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ. Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi phái đoàn hai bên thảo luận về các giải pháp thương mại cùng có lợi. Cũng tại cuộc gặp với ông Modi hôm 28-6, ông Trump đề cập những lo ngại của Mỹ về Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc).
Tranh cãi về Huawei chắc chắn là một trong những nội dung được thảo luận tại cuộc gặp dự kiến giữa ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị trong ngày 29-6. Trước thềm cuộc gặp này, nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng sẽ có các cuộc thảo luận hữu ích với ông Tập, người đã lên tiếng gọi các biện pháp bảo hộ thương mại là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Cũng chia sẻ quan điểm của Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lo ngại thương mại toàn cầu đang chịu tác động từ chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản mang động cơ chính trị. Bên lề hội nghị, ông chủ Điện Kremlin đã có cuộc gặp đầu tiên với ông Trump kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Phần Lan hồi tháng 7-2018.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo về những thiệt hại do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra đối với nền kinh tế thế giới và kêu gọi hoạt động giao thương quốc tế dựa trên các luật lệ. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang góp phần khiến kinh tế toàn cầu suy giảm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi tất cả các nước có lập trường cởi mở và tự do hơn. Truyền thông Nhật Bản đưa tin Tokyo đang làm việc với các thành viên khác về một tuyên bố chung kêu gọi "thúc đẩy thương mại tự do" để đạt được tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ.
Xuân Mai
Cuộc gặp có ý nghĩa quyết định của Mỹ và Trung Quốc tại G20
Hội nghị G20 cuối tuần này được đánh giá giống G-2 nhiều hơn, vì cuộc gặp ngày mai giữa hai lãnh đạo Mỹ và Trung ... |
G20 chụp ảnh tập thể, Trump và thái tử Saudi tạo dáng kỳ lạ
Tổng thống Donald Trump quay sang bắt tay Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman mà không quan tâm đến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ... |
Hội nghị G20 ở Osaka bắt đầu trong bóng phủ của căng thẳng thương mại
Các nhà lãnh đạo đến Nhật tham dự một trong những hội nghị G20 quan trọng và mong manh nhất từ trước đến nay khi ... |
Ngày đăng: 12:50 | 29/06/2019
/ https://nld.com.vn