Giám đốc FTSE Russell đánh giá, Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư toàn cầu. Cổ phiếu Việt Nam ghi nhận tỷ suất sinh lời dài hạn cao hơn khi so sánh với các cổ phiếu ở thị trường mới nổi khác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong báo cáo mới công bố, ông Miko Huang, Giám đốc Quản lý chỉ số thuộc tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell đã có đánh giá về chứng khoán Việt Nam, xem đây là điểm sáng tại khu vực châu Á nhờ sự hồi phục mạnh trong thời hậu dịch bệnh.
Theo Giám đốc FTSE Russell, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 8% trong năm 2022 và chỉ số FTSE Vietnam 30 ghi nhận mức tăng 12% so với đầu năm. Bên cạnh đó, việc hợp tác của sàn chứng khoán Việt Nam với FTSE Rusell cũng như sàn giao dịch Singapore sẽ giúp Việt Nam có hệ sinh thái toàn diện giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận cổ phiếu Việt Nam cũng như kiểm soát các rủi ro liên quan.
Xét về động lực thúc đẩy tăng trưởng, FTSE Russell đánh giá Việt Nam có lợi thế về chi phí sản xuất, lực lượng lao động trẻ và lành nghề từ đó giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các Tập đoàn lớn.
“Ngọn hải đăng” về kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Theo FTSE Russell, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi tốt và trở thành “ngọn hải đăng” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương bất chấp những biến động kinh tế và chính trị toàn cầu. Những năm gần đây, Việt Nam được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh và tình hình chính trị ổn định.
Sau giai đoạn khó khăn của năm 2022, bước sang 2023, Chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bao gồm cắt giảm thuế, nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhờ đó, Việt Nam đang trên đà hồi phục vào năm 2023, GDP quý 2/2023 tăng 4,14% so với cùng kỳ và vượt mức tăng trưởng của quý 1/2023. Cũng trong khoảng thời gian này, tỷ giá đồng Việt Nam vẫn duy trì ổn định nhờ dự trữ ngoại hối dồi dào, thặng dư thương mại, dòng vốn FDI giải ngân cải thiện, sự phục hồi của ngành du lịch và sự suy yếu của đồng USD.
Giám đốc FTSE Russell đánh giá, Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư toàn cầu. Cụ thể, cổ phiếu Việt Nam ghi nhận tỷ suất sinh lời dài hạn cao hơn khi so với các cổ phiếu ở thị trường mới nổi khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Tăng trưởng lợi nhuận lũy kế 10 năm của các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam đạt 107,8%, trong khi các thị trường mới nổi khác mang lại lợi nhuận khiêm tốn hơn. Đồng thời, thị trường Việt Nam cũng có mối tương quan thấp với các thị trường khác, từ đó giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn để đa dạng hóa đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số FTSE Vietnam 30 - bao gồm 30 công ty lớn nhất niêm yết trên sàn HOSE - tăng 12% (tính bằng USD). Con số này khả quan hơn nhiều so với chỉ số FTSE châu Á-Thái Bình Dương (3,3%), FTSE Emerging (3,9%), FTSE China A (-3,5%) và FTSE ASEAN Extended (-1,1%). Trong đó, cổ phiếu ngành tài chính và công nghiệp góp công nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số.
Hệ số P/E 12 tháng trung bình của chỉ số FTSE Vietnam 30 Index ở mức 15 lần, tương đối hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn đang tìm kiếm những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận mạnh.
Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
FTSE Russell đánh giá Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai các sản phẩm, giải pháp mới và đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, liên tục và hiệu quả. Hệ thống dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023 sau 6 tháng chạy thử. Không chỉ vậy, việc rút ngắn thời gian thanh toán đang giúp nâng cao hiệu quả đầu tư và nâng cao tính thanh khoản của thị trường, từng bước đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế.
Mới đây nhất, tại Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam – hướng tới vị thế thị trường mới nổi” diễn ra cuối tháng 8, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); và giới hạn sở hữu nước ngoài.
“Những nỗ lực về cả sửa đổi pháp lý cũng như các giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thị trường vốn của Việt Nam” – Lãnh đạo UBCKNN nói thêm.
Hệ sinh thái được xây dựng xung quanh các chỉ số trên thị trường Việt Nam
Từ năm 2020, sự hợp tác giữa FTSE Russell và Sàn giao dịch Singapore (SGX) nhằm phát triển toàn diện các thị trường mới nổi, tập trung vào thị trường châu Á, cung cấp sản phẩm phái sinh đa tài sản.
Trong đó, hai hợp đồng tương lai chỉ số vốn cổ phần của Việt Nam dựa trên chỉ số FTSE Russell đã được ra mắt trên SGX vào năm 2021, giúp nhà đầu tư dễ dàng quản lý rủi ro gắn liền với chứng khoán Việt Nam. Cùng với hai quỹ ETF FTSE Vietnam 30, FTSE Russell đang xây dựng một hệ sinh thái đã dần phát triển để mang đến cho các nhà đầu tư quốc tế khả năng tiếp cận và phòng ngừa rủi ro hiệu quả trên thị trường Việt Nam.
Nhìn chung, FTSE Russell đánh giá nhiều động lực tăng trưởng tích cực đang tạo ra luồng gió thuận lợi để củng cố cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.
Ngày đăng: 10:29 | 06/09/2023
Phương Linh / Markettimes.vn