Filip Nguyễn, Patrik Lê Giang và những cầu thủ Việt Nam xa xứ

Giấc mộng trời Âu

Năm 2008, hai anh em cầu thủ Việt kiều Emil Lê Giang, Patrik Lê Giang đến Việt Nam trong sự chú ý đặc biệt của truyền thông nước nhà. Họ được quan tâm không chỉ bởi dòng máu Việt Nam mang trong người, mà còn vì tài năng chơi bóng đã được khẳng định ở châu Âu. Patrik khi ấy là thủ môn trẻ của Zilina, CLB hàng đầu Slovakia, còn Emil từng được mời sang Anh thử việc.

Mãi đến năm 2017, gần 1 thập niên kể từ chuyến hồi hương đáng nhớ kia, Patrik mới tiết lộ anh và Emil không dùng tiền cá nhân để về thăm Việt Nam. Toàn bộ kinh phí trong chuyến đi này đều được VFF chi trả với hy vọng có thể thuyết phục anh em nhà Lê Giang về đầu quân cho đội tuyển quốc gia Việt Nam trong tương lai. Người đồng hành cùng họ hồi đó là HLV Mai Đức Chung.

"Mọi thứ ở Việt Nam thật tuyệt vời. Sau 16 năm sinh sống ở Slovakia, cuối cùng tôi có thể gặp được những người họ hàng vốn chỉ biết qua hình chụp", Patrik Lê Giang hồi tưởng. "Còn về bóng đá, phía Việt Nam đón tiếp tôi hết sức trọng thị. Họ đưa ra những lời mời cùng mức đãi ngộ mà chính anh em tôi cũng không thể hình dung nổi. Chỉ cần gật đầu, chúng tôi có thể sống yên ổn cả đời".

anh 1.jpeg -0

Patrik Lê Giang từ chối ĐT Việt Nam vì muốn khoác áo ĐT Slovakia.

Patrik Lê Giang không nói cụ thể mức lương anh được đề nghị ở Việt Nam, nhưng chắc chắn nó cao hơn rất nhiều so với những gì anh nhận ở Zilina khi đó. Cầu thủ mang trong mình 2 dòng máu Slovakia và Việt Nam nói nếu nhận xét khách quan, anh không xứng đáng được hưởng đãi ngộ cao như vậy. Đó là lý do Patrik và Emil phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Sau hồi lâu suy đi tính lại, hai anh em nhà Lê Giang xin phép từ chối. Ở tuổi 16-17, cả hai muốn được trải nghiệm bản thân ở môi trường bóng đá châu Âu; và nếu có thể, họ muốn khoác áo Slovakia thi đấu ở EURO, World Cup. Vào năm 2008, ước mơ của anh em nhà Lê Giang hoàn toàn có cơ sở bởi họ đang là tài năng trẻ đang lên của bóng đá Slovakia.

Đó cũng là điều Lee Nguyễn từng khao khát những năm đầu sự nghiệp trong màu áo đội tuyển Mỹ. Trải qua vài năm thi đấu tại V.League, Lee Nguyễn trở lại Mỹ để sống lại ước mơ khoác áo đội tuyển xứ cờ hoa. Anh luôn là một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc nhất giải MLS nhưng nguyện ước đó lại không trở thành sự thật. HLV trưởng Juergen Klinsmann luôn thích những tiền vệ cơ bắp, thế nên Lee Nguyễn bị gạt ra ngoài.

Muốn đá nhưng không được

Là người Slovakia nhưng Patrik Lê Giang lại đang tạo dựng tên tuổi mình ở giải VĐQG CH Séc. Một trong những người bạn thân thiết nhất với anh ở đó là thủ môn Filip Nguyễn. Không giống như Patrik Lê Giang vốn chỉ muốn khoác áo ĐT Slovakia, Filip Nguyễn nhiều lần nói nguyện vọng của anh là được mang quốc tịch Việt Nam, qua đó tìm cơ hội thi đấu ở V.League và đội tuyển quốc gia.

Đen đủi cho Filip Nguyễn là một trong những bài viết đầu tiên về anh tại quê nhà lại bị hiểu sai ý. Ở thời điểm năm 2019, Filip Nguyễn nói anh không loại trừ cơ hội khoác áo Việt Nam nhưng lại bị dịch thành "Filip Nguyễn từ chối đội tuyển Việt Nam do trình độ chơi bóng ở đây thấp hơn CH Séc". Hiểu lầm tai hại đó khiến chàng thủ môn sinh năm 1992 lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười mà không biết giải thích thế nào.

Với trình độ đã được khẳng định của một thủ môn thường xuyên bắt chính tại giải VĐQG CH Séc, có thể thấy Filip Nguyễn hoàn toàn đủ khả năng đứng trong khung gỗ đội tuyển Việt Nam. Việc anh không thể lên tuyển hoàn toàn khác với câu chuyện của những cầu thủ "Việt ba lô" trong quá khứ như Ludovic Casset hay Tony Lê Hoàng, Keven Nguyễn,...

anh 2 (2).jpg -0

Filip Nguyễn muốn chơi cho ĐT Việt Nam nhưng không được.

Ở thời buổi bình minh của V.League, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến một cầu thủ Việt kiều Pháp hồi hương có tên Ludovic Casset. Về nước trong giai đoạn Internet còn hạn chế và mọi người chưa thể tra cứu Wikipedia, cái tên Casset được giới thiệu với danh xưng mỹ miều "một trong những trung vệ đẳng cấp nhất châu Âu". CLB Đà Nẵng theo sát cầu thủ này, thậm chí chào mời anh mức lương 3.000 USD/tháng nhưng họ đã sớm phải thất vọng.

Câu chuyện của Tony Lê Hoàng tại Việt Nam cũng không khá hơn Casset là bao. Năm 19 tuổi, cầu thủ này về nước với hy vọng tìm một CLB V.League để đầu quân. Tất cả các đội bóng Tony Lê Hoàng đến gõ cửa đều từ chối anh sau một vài buổi tập. Mang danh một trong những cầu thủ trẻ hay nhất Ba Lan nhưng anh lại không đạt yêu cầu về thể lực và kỹ chiến thuật. Lúc này, mọi người mới biết Tony thực ra chỉ là một cầu thủ nghiệp dư về nước mong đổi đời!

Vận rủi của anh em nhà Lê Giang

Sau khi từ chối thi đấu ở Việt Nam, Emil và Patrik Lê Giang trở lại chơi cho đội trẻ CLB Zilina với hy vọng được đôn lên thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những gì họ trải qua hoàn toàn khác với viễn cảnh tươi sáng mà cả 2 từng nghĩ đến lúc mới chỉ 16-17 tuổi. Emil Lê Giang bôn ba qua 9 đội bóng trong 10 năm, và hiện tại đang lầm vào cảnh thất nghiệp ở tuổi 30. Đội bóng gần nhất anh từng thi đấu là một CLB hạng 3 ở Slovakia và Emil cũng gần như không có cơ hội ra sân. May mắn hơn anh trai mình, Patrik Lê Giang chuyển đến khoác áo CLB Bohemians 1905 ở giải CH Séc 2 năm trước và được bắt chính. Anh từng nhiều lần lọt vào danh sách đội hình tiêu biểu của giải đấu, nhưng cái duyên khoác áo tuyển Slovakia vẫn lẩn tránh thủ môn này. Một trong những lý do khiến các HLV gạt Patrik Lê Giang sang một bên khi tuyển chọn cầu thủ là bởi chiều cao. Anh cao 1,85m và chừng đó vẫn chưa đủ để thi đấu đỉnh cao tại châu Âu.

Cẩm Chi

Thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn nhiễm Covid-19 Thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn nhiễm Covid-19
Bước ra Europa League, thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn rực sáng Bước ra Europa League, thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn rực sáng

Ngày đăng: 15:26 | 20/08/2021

/ cand.com.vn