Các quy định cạnh tranh mới nhằm vào Facebook và Google sẽ được thực thi bởi một đơn vị chuyên trách thuộc Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh (CMA)
Trước đó, cơ quan này từng tuyên bố cần có các điều luật mới để kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ.
Google và Facebook hiện thống trị mảng quảng cáo kỹ thuật số ở Anh, chiếm khoảng 80% trong tổng số 14 tỉ bảng Anh (tương đương 18,7 tỉ USD) được chi trong năm 2019, theo dữ liệu từ CMA.
Hai công ty công nghệ của Mỹ cho biết họ cam kết sẽ làm việc với Chính phủ và cơ quan quản lý của Anh về mảng quảng cáo kỹ thuật số, bao gồm việc cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát tốt hơn đối với dữ liệu của họ và các quảng cáo mà họ được nhắm tới.
Đơn vị Thị trường kỹ thuật số mới được thành lập, sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 4, có thể được trao quyền đình chỉ, ngăn chặn và đảo ngược các quyết định do các công ty công nghệ đưa ra và áp dụng các hình phạt tài chính cho việc không tuân thủ.
Chính phủ cho biết, các công ty sẽ phải minh bạch hơn trong cách họ sử dụng dữ liệu người tiêu dùng và các hạn chế gây khó khăn cho việc sử dụng các nền tảng đối thủ sẽ bị cấm. Đồng thời, các quy định mới cũng sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp tin tức, tái cân bằng mối quan hệ giữa các nhà xuất bản và các nền tảng thông tin.
Hôm 23/11, CMA tiết lộ họ đang đánh giá xem liệu khiếu nại về công nghệ của Google có cần thiết dẫn đến một cuộc điều tra chính thức hay không.
Trước đó, các quốc gia Đông Nam Á - khu vực có nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới - đang đẩy mạnh siết chặt quy định về thuế đối với những công ty công nghệ nước ngoài, đặc biệt là Facebook, Google hay Netflix.
Hồi tháng 7, Reuters đưa tin cơ quan thuế Indonesia cho biết đã cấp mã số thuế VAT cho Amazon Web Services, Netflix, Spotify và các công ty con của Google thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Google Ireland và Google LLC.
Với quy định mới của chính quyền Jakarta, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại Indonesia có doanh số trên 600 triệu rupiah (khoảng 41.630 USD) hoặc có ít nhất 12.000 người dùng truy cập mỗi năm đều phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Danh sách tập đoàn công nghệ bị đánh thuế của Indonesia đang ngày càng kéo dài. Facebook, Disney và TikTok là những cái tên mới được bổ sung vào tháng 8. Đến danh sách mới được công bố hồi đầu tháng 10, chính quyền Jakarta đưa thêm Microsoft và Alibaba Cloud, một công ty con của Alibaba, bên cạnh 6 công ty công nghệ khác như GitHub, UCWeb Singapore, Nexmo.
Ngoài Indonesia, các nước tại khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng cân nhắc nhiều loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến. Thái Lan và Philippines áp thuế VAT 7-12% đối với những tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Google, Amazon, Netflix và Spotify.
Tổng cục Thuế Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam thu thuế VAT với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua thuế nhà thầu nước ngoài. Trong đó, Google, Facebook, Netflix… có thu nhập tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này đều phải nộp cả thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
PV (th)
Xử phạt 4 triệu đồng lái xe đi ngược chiều từ tin nhắn qua Facebook |
Chuyên gia bảo mật của Google được Facebook thưởng 60.000 USD |
Twitter, Facebook sẽ bàn giao tài khoản Tổng thống Mỹ cho ông Biden |
Ngày đăng: 09:22 | 27/11/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống