Facebook vẫn đang cố thành lập một công ty con để chứng tỏ sự tồn tại ở quốc gia đông dân nhất thế giới, tiến thêm một bước để hiện thực hóa tham vọng thâm nhập thị trường này.
Sau một thập kỷ, Facebook đã có được chỗ đứng ở Trung Quốc, dù mang tính tạm thời.
Theo New York Times, Facebook cho biết họ muốn tạo ra một "trung tâm hiện đại để hỗ trợ các nhà phát triển, sáng tạo và khởi nghiệp Trung Quốc". Trụ sở này dự kiến được xây dựng tại tỉnh Chiết Giang.
Mạng xã hội này từng xây dựng những trung tâm tương tự tại các quốc gia như Pháp, Brazil, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, những quốc gia này không cấm Facebook.
Theo Washington Post, hồ sơ doanh nghiệp của Facebook đã được Hệ thống Thông tin Tín dụng Doanh nghiệp Quốc gia Trung Quốc đăng tải. Công ty này có tên Facebook Technology (Hàng Châu) thuộc sở hữu của Facebook Hong Kong Ltd với 30 triệu USD tiền vốn.
Nếu được cấp phép, văn phòng này sẽ là đại diện chính thức đầu tiên của Facebook ở Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Cuộc theo đuổi lâu dài
Facebook hiện tiếp cận được hầu hết quốc gia ngoại trừ Trung Quốc. Gần một thập kỷ bị cấm cửa, Facebook luôn nỗ lực để đưa mạng xã hội trở lại Trung Quốc nhưng luôn bị khước từ. Giờ đây Mark Zuckerberg đã nảy ra ý định xây dựng một trung tâm hỗ trợ start-up nhằm chứng minh sự tồn tại của Facebook ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông tin về công ty con của Facebook đã bị gỡ khỏi trang web của chính phủ Trung Quốc và các phương tiện truyền thông trong nước ngày 24/7. Theo New York Times, đây có thể là dấu hiệu của việc thỏa thuận thành lập công ty con gặp vấn đề gì đó.
Trong một nỗ lực khác hồi năm 2016, Mark Zuckerberg, người đứng đầu Facebook đã tham gia một sự kiện tại Bắc Kinh. Trong thời gian ở lại Trung Quốc, tỷ phú trẻ tuổi đã đăng lên Facebook bức ảnh chính ông đang chạy bộ ở Quảng trường Thiên An Môn vào một ngày đầy khói bụi độc hại. Bức ảnh bị cộng đồng người dùng Twitter dè bỉu bởi việc tập thể thao trong thời tiết ô nhiễm tỏ ra quá kệch cỡm.
Việc Mark Zuckerberg tập thể thao trong thời tiết khói bụi bị nhiều người chỉ trích là hành động kệch cỡm nhằm lấy lòng chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Nói với Zing.vn, Tiến sĩ Sarah Logan, Trường Luật Đại học New South Wales (Australia) cho rằng thực chất việc làm này phục vụ mục đích ngoại giao không hơn không kém.
"Facebook từ lâu không giấu giếm tham vọng của họ đối với Trung Quốc. Đâu phải tự dưng mà Mark Zuckerberg ra Thiên An Môn để chạy bộ và không mang cả khẩu trang. Cho đến tận lúc này, Trung Quốc vẫn là thị trường quảng cáo lớn thứ hai đối với Facebook", bà Logan cho biết. Theo Ad Age, 10% doanh thu toàn cầu của Facebook, tức khoảng 5 tỷ USD, đến từ Trung Quốc.
Dùng mọi cách để lấy lòng Trung Quốc
Theo The Times, cũng trong năm 2016, Facebook đã thực hiện kế hoạch áp dụng chính sách kiểm duyệt dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Cụ thể mạng xã hội tạo ra một công cụ ngăn chặn các bài viết hiển thị tại một số nơi nhất định.
Công cụ này hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của Bắc Kinh, giúp con đường bước vào Trung Quốc rộng mở hơn cho Facebook. Tuy nhiên, công cụ trên vẫn không thể được triển khai.
Trong lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015, ông chủ Facebook đăng tải lên trang cá nhân với sự tự hào khi được gặp gỡ và nói chuyện bằng tiếng Hoa với nhà lãnh đạo của quốc gia mà Facebook muốn thâm nhập.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc chỉ nhắc tên Zuckerberg với tư cách của một trong số những người làm công nghệ được may mắn gặp ông Tập.
Khi chọn vị trí đối tượng trong cài đặt quảng cáo, Facebook gom Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc. |
Tháng 7/2018, Facebook sử dụng bản đồ sai lệch về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam trong bản đồ hướng đối tượng quảng cáo (hai quần đảo được hiển thị cùng màu xanh với phần lục địa của Trung Quốc). Bản đồ livestream cũng bị mạng xã hội này đăng tải sai lệch khi dùng Sansha (Tam Sa) để gọi tên đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng hành động này không đơn thuần chỉ là lỗi kỹ thuật bởi Facebook chưa bao giờ từ bỏ khát khao thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Trả lời Zing.vn, Facebook cho rằng đây là một lỗi kỹ thuật và đã sửa lỗi này. "Bản đồ trong Trình quản lý quảng cáo và bản đồ trong Bản đồ Live của Facebook đã được sửa và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ không hiển thị thuộc lãnh thổ Trung Quốc nữa”, đại diện Facebook nói thêm.
Nói với Zing.vn, tiến sĩ Logan cho rằng khó có thể xem là lỗi kỹ thuật. Facebook vẫn có thể bị nghi vấn do đang có những nỗ lực hợp tác với chính quyền Trung Quốc.
“Facebook có lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc. Nếu họ có giấy phép cung cấp nội dung Internet (ICP) tại Trung Quốc, họ sẽ chịu sự tác động của luật an ninh mạng Trung Quốc. Thông qua hệ thống chấm điểm xã hội tại Trung Quốc, luật này có thể được sử dụng để tạo áp lực lên các công ty nước ngoài, thiết kế những bản đồ phù hợp với lợi ích nước họ”, bà Logan đặt nghi vấn.
Trump là khách hàng mua quảng cáo chính trị lớn nhất Facebook Trump và Ủy ban hành động chính trị (PAC) đã chi hàng trăm nghìn đôla mua quảng cáo trên mạng xã hội Facebook từ đầu ... |
Facebook bị yêu cầu khóa nhiều fanpage nổi tiếng Quốc hội Mỹ chỉ ra một số trang thu hút nhiều lượt xem chuyên đưa tin giả, thuyết âm mưu không được kiểm chứng như ... |
Ngày đăng: 20:03 | 25/07/2018
/ Zing