Facebook đã trả tiền cho đối tác để nghe và phân tích các tin nhắn bằng giọng nói trên ứng dụng Messenger mà người dùng không hay biết.
Theo Bloomberg ngày 14/8, Facebook cho biết họ đã dừng hành động nghe lén này từ "hơn một tuần trước", đồng thời giải thích việc thuê đối tác là để kiểm tra xem các cuộc hội thoại ẩn danh có được chuyển thể chính xác hay không.
Từ năm 2015, Facebook Messenger cung cấp tính năng nhắn tin bằng giọng nói (audio clip), sau đó hệ thống tự động nhận diện và chuyển sang dạng văn bản (text) để cả người gửi lẫn người nhận đều có thể đọc được. Facebook cho biết chỉ những ai chọn kích hoạt tính năng chuyển thể này thì các đoạn audio clip của họ mới bị nghe lại.
Tuy nhiên, vấn đề là trang hỗ trợ Facebook hay các điều khoản dịch vụ không hề nói rằng việc nghe và phân tích được thực hiện bởi con người. "Việc chuyển âm thanh sang văn bản được thực hiện bởi máy học", trang hỗ trợ của Facebook viết.
"Facebook nói hệ thống của họ tự động xử lý và phân tích nội dung cũng như các bối cảnh liên quan. Họ không đề cập đến việc thuê người xem xét các nội dung này", Bloomberg cho biết.
Tính năng Voice to Text của Facebook có từ năm 2015. |
Không riêng audio clip, nhiều người còn tin rằng Facebook nghe lén cả các cuộc trò chuyện ngoài đời thực của họ. Không ít người cho biết họ nói với bạn bè về kế hoạch đi nghỉ mát hay dự định mua một món đồ, thì sau đó bất ngờ thấy các quảng cáo về địa điểm hay món đồ đó hiển thị trên Facebook. Dù liên tục phủ nhận, Facebook vẫn không thể dập tắt mối nghi nghe lén điện thoại người dùng.
Trước đó, Apple, Google, Amazon và Microsoft cũng bị phát hiện thuê đối tác hoặc sử dụng nhân viên nghe lén các cuộc trò chuyện của người dùng với trợ lý ảo. Tất cả đều thừa nhận, nhưng giải thích là để cải thiện khả năng nhận diện giọng nói của trợ lý ảo, nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, các hãng lại không hề thông báo cho người dùng về hành vi này, làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư.
Ngày đăng: 09:01 | 14/08/2019
/ vnexpress.net