Việc Facebook tham gia cuộc chạy đua với các đài truyền hình giúp giá trị bản quyền giải Ngoại Hạng Anh tiếp tục ổn định đà tăng trưởng.
Cách đây vài tháng, đối tác phân phối bản quyền Ngoại Hạng Anh ở Việt Nam trong nhiều năm qua là MP&Silva phá sản. BeIN Sports định thế chân với mức đấu giá 200 triệu USD, tuy nhiên mạng truyền hình Qatar đã thất bại trước một “lính mới”. Với 267 triệu USD, Facebook giành quyền phát sóng Ngoại Hạng Anh ở 4 nước gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia trong giai đoạn 2019-2022.
Truyền thông quốc tế gọi đây là màn "chơi lớn" của Facebook để tạo dựng vị thế trong việc cung cấp video trực tuyến và trực tiếp, cũng chính là bàn đạp để mạng xã hội lớn nhất thế giới vươn tầm ảnh hưởng sang lĩnh vực truyền hình. Facebook Live ra đời năm 2015 là sự mở đầu cho tham vọng này, và bản quyền Ngoại Hạng Anh là cú hích quan trọng nhất.
"Thể thao có sức mạnh xây dựng và kết nối cộng đồng. Điều đó rất gần với sứ mệnh của chúng tôi, và chúng tôi cảm thấy rằng Facebook là một mái nhà dành cho nội dung thể thao, bao gồm các trận đấu được phát sóng trực tiếp”, tờ Independent trích lời đại diện Facebook.
Facebook muốn tham gia cuộc chiến bản quyền. Những người sở hữu bản quyền giải Ngoại Hạng Anh cũng muốn như vậy. Tờ Independent bình luận rằng sự "tham chiến" của mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ giải cứu “bong bóng” giá trị bản quyền giải Ngoại Hạng Anh vốn đang trong tình cảnh có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Bản quyền Ngoại Hạng Anh có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cuộc chạy đua thổi giá bản quyền Ngoại Hạng Anh được khơi mào bởi BT Sports vào năm 2012 khi đài này quyết định vung tiền đè bẹp đối thủ Sky Sports. Số tiền mà BT Sports chi ra cao hơn 77% so với gói bản quyền trước đó, tạo nên cú nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử giải đấu.
Kể từ đó, giá bản quyền Ngoại Hạng Anh liên tục bị đẩy lên cao, đến mức phần lợi nhuận mà giải đấu thu về đủ để các đội bóng mạnh tay mua sắm trên thị trường chuyển nhượng.
Tuy nhiên theo dự đoán của truyền thông quốc tế, sự tăng trưởng này sẽ chậm lại trong một vài năm tới. Ở Anh, BT Sports và Sky Sports đã bắt tay nhau hạ nhiệt cuộc chạy đua tiền bạc. Giai đoạn 2019-2022, hai “ông lớn” truyền hình xứ sương mù chỉ bỏ ra tổng cộng 4,6 tỷ bảng Bảng, thấp hơn tới 500 triệu Bảng so với gói bản quyền hiện tại.
Giải Ngoại Hạng Anh phải tìm cách để ổn định sự tăng trưởng, hay nói cách khác là tiếp tục thổi giá bản quyền. Họ nhận ra xu hướng mới trong thói quen sử dụng dịch vụ của khán giả truyền hình nói chung và người xem bóng đá nói riêng. Sự dịch chuyển các nội dung truyền hình từ phương thức truyền thống sang nền tảng Internet ngày càng rõ rệt.
Sự tham chiến của Facebook lúc này và trước đó là Twitter, Amazon có thể coi là “gãi đúng chỗ ngứa” của những nhà tổ chức giải Ngoại Hạng Anh. Những công ty công nghệ hàng đầu thế giới sở hữu nền tảng Internet với quy mô người dùng toàn cầu có thừa tiềm lực tài chính để tiếp tục nuôi "bong bóng" giá trị bản quyền.
Facebook trở thành đối thủ đáng gờm với các đài truyền hình, ngay cả các "ông lớn" như Sky Sports hay BT Sports ở Anh.
Đối với nhà tổ chức giải đấu thì đây lại là một xu hướng có lợi. Bán bản quyền cho các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử giúp giải Ngoại Hạng Anh giải quyết được bài toán ổn định tăng trưởng cả về lợi nhuận lẫn tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Người hâm mộ cũng được hưởng lợi từ sự thay đổi này, không chỉ có thêm lựa chọn mà còn được tăng thêm sự bảo đảm trong việc tiếp cận giải đấu. Khác với những trung gian bản quyền như MP&Silva, Facebook không chỉ phân phối mà còn có thể cung cấp dịch vụ trực tiếp tới khán giả khi mạng xã hội lớn nhất thế giới có thể tự biến mình thành một nền tảng phát sóng, tất nhiên là trong trường hợp họ đáp ứng được các điều kiện pháp lý.
Tuy nhiên trong cuộc chạy đua bản quyền, Facebook và những "kẻ ngoại đạo" lắm tiền khác trở thành đối thủ có sức đe dọa đáng kể đối với các đài truyền hình. Theo tờ The Guardian, Facebook trong vài năm tới có thể dùng tiền đè bẹp các đài truyền hình như cách BT Sports từng làm với Sky Sports trước đây và thực tế là mạng xã hội này vừa đánh bại BeIN Sports ở thị trường Đông Nam Á.
Các đài truyền hình ở Nam Á thất bại toàn tập khi Facebook mua độc quyền La Liga và phát miễn phí ở thị trường này. Truyền hình Thái Lan cũng đang lo lắng và tìm cách hợp tác với mạng xã hội lớn nhất thế giới. Trong khi đó tại Việt Nam, các nhà đài có lẽ cũng đang quan sát động tĩnh của đối thủ đến từ thung lũng Silicon để chuẩn bị phương án đối phó.
Cục diện mới của cuộc chiến bản quyền Ngoại Hạng Anh nói riêng và các giải thể thao nói chung sẽ được định hình khi Facebook hé lộ nước đi tiếp theo và cho cả thế giới thấy họ sẽ khai thác bản quyền giải đấu đắt giá nhất hành tinh như thế nào.
Facebook có phân phối lại bản quyền cho các đài truyền hình Việt?
Trao đổi với báo chí, Ông Lê Đình Cường - Phó chủ tịch VNPayTV nói trước đây truyền hình Việt vẫn có bản quyền Ngoại ... |
Danh sách chi tiết 18 website ăn cắp, vi phạm trắng trợn bản quyền ASIAD 2018
Ngoài xoilac.tv, 17 website khác như xemtiviso.tv, tivi4k.net, tivitot.net... vi phạm trắng trợn bản quyền truyền thông ASIAD 2018. |
Bộ TT-TT điểm danh 18 website vi phạm bản quyền ASIAD 2018
Tối 27/8, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử PTTH-TTĐT, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có văn bản hỏa ... |
Bản quyền truyền hình, U23 và triết lý của ông Park
Trước trận vòng 1/8 quan trọng, khán giả Việt Nam đã có thể xem U23 thi đấu bằng truyền hình có bản quyền, đó là ... |
Ngày đăng: 14:20 | 24/09/2018
/ https://vtc.vn