Ngày 11-8, Facebook cho biết họ đã xóa hàng trăm tài khoản có liên quan đến một công ty quảng cáo hoạt động bí ẩn, trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tung tin giả về vaccine phòng ngừa Covid-19 Pfizer và AstraZeneca.

Facebook “cấm cửa” công ty đứng sau chiến dịch tung tin giả về vaccine Pfizer, AstraZeneca ảnh 1
Tiêm vaccine là một trong những biện pháp quan trọng để đẩy lùi đại dịch Covid-19

Một mạng lưới gồm 65 tài khoản Facebook và 243 tài khoản Instagram được bắt nguồn từ Fazze, một công ty quảng cáo và tiếp thị. Mạng lưới này đã sử dụng các tài khoản giả mạo để lan truyền các thông tin giả, những tuyên bố gây hiểu lầm làm mất uy tín của các loại vaccine Pfizer và AstraZeneca. Trong đó, có thông tin bịa đặt rằng “vaccine của AstraZeneca sẽ biến con người thành tinh tinh”. Các tài khoản giả này nhắm mục tiêu người dùng mạng xã hội ở Ấn Độ, Mỹ Latinh và một số nơi tại Mỹ thông qua các nền tảng truyền thông xã hội bao gồm Facebook và Instagram.

Fazze cũng đã liên hệ với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ở một số quốc gia và đề nghị trả tiền để họ đăng lại nội dung gây hiểu lầm về vaccine phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị phản tác dụng sau khi những người có ảnh hưởng ở một số quốc gia như Pháp, Đức đã công khai tố cáo chuyện này. Cùng với việc xóa các tài khoản của mạng lưới Fazze, Facebook cũng cấm Fazze trên toàn bộ các nền tảng của mình. Các tin nhắn tìm kiếm, bình luận từ công ty này đã không nhận được phản hồi từ ngày 10-8.

Nathaniel Gleicher, người phụ trách chính sách bảo mật của Facebook cho biết, nỗ lực của Fazze nhằm bôi nhọ vaccine của Pfizer, AstraZeneca không nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội, có bài đăng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Tuy nhiên, mặc dù chiến dịch có thể đã thất bại, nhưng nó cũng đã gây được chú ý vì cố gắng thu hút những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Khi các công ty truyền thông xã hội cải tiến khả năng phát hiện và loại bỏ các tài khoản giả mạo, nhiều chiến dịch thông tin sai lệch đã bị phanh phui. Có không ít công ty đã trả phí cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để họ đăng tải nội dung theo yêu cầu, làm tăng khả năng lan tỏa đến người dùng mạng xã hội, tuy nhiên, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã từ chối không hợp tác. Các nhà điều tra của Facebook cho biết một số người có ảnh hưởng đã đăng tải thông tin của Fazze, nhưng sau đó đã xóa khi phát hiện ra sự thật về Fazze.

Một trong số những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội được Fazze liên hệ là Youtuber người Pháp Léo Grasset. Youtuber này cho biết, hồi tháng 5 vừa qua anh nhận được đề nghị đăng tải một video dài 45 đến 60 giây trên Instagram, TikTok hay YouTube có nội dung chỉ trích tỷ lệ tử vong của vaccine Pfizer. Tuy nhiên khi Grasset yêu cầu Fazze xác định khách hàng của họ, công ty đã từ chối. Do đó, Grasset từ chối lời đề nghị và lập tức công khai những lo ngại của mình trên mạng xã hội.

(Theo AP)

Virus tin giả COVID-19 và những “biến chủng” Virus tin giả COVID-19 và những “biến chủng”

Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm trong nước liên tục ở ...

Ngày đăng: 09:21 | 12/08/2021

/ anninhthudo.vn