Mạng xã hội lớn nhất thế giới bị cáo buộc đã làm chậm kết nối Internet của người dùng Hàn Quốc trong năm 2016 và 2017.
Trong khi đang phải đối mặt với scandal rò rỉ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng, Facebook tiếp tục đón nhận thêm tin tức không tốt từ Hàn Quốc. Theo The Verge, cơ quan quản lý viễn thông Hàn Quốc đang ra án phạt Facebook số tiền 396 triệu Won (khoảng 369.705 USD) về việc mạng xã hội này đã làm chậm kết nối Internet với người dùng.
Uỷ ban truyền thông Hàn Quốc (KCC) đã bắt đầu điều tra Facebook từ tháng 5 năm ngoái và phát hiện mạng xã hội này hạn chế khả năng truy cập của người dùng một cách trái phép. Luật Hàn Quốc nghiêm cấm các dịch vụ internet chuyển hướng kết nối của người dùng đến các mạng lưới ở Hồng Kông và Mỹ, thay vì nhà cung cấp nội địa mà không thông báo cho người dùng. Chính việc chuyển hướng mà Facebook thực hiện đã làm chậm kết nối Internet tới 4,5 lần.
Số lượng người dùng Facebook tại Hàn Quốc năm ngoái là 14,5 triệu và dự kiến còn tăng lên 14,84 triệu trong năm nay, theo hãng thống kê Statista. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng đã than phiền về tình trạng truy cập Facebook và Instagram bị chậm, thậm chí nhiều lần mỗi ngày trong thời gian qua. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet như SK Broadbank và LG UPlus cho biết số khiếu nại nhận được trung bình là 10 đến 34 mỗi ngày.
Trong khi đó, Facebook cho biết thất vọng với phán quyết từ KCC. Mạng xã hội này luôn cố gắng tối ưu cho tất cả mọi người dùng và sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ tại Hàn Quốc để đảm bảo điều này. Tuy nhiên, họ cũng không đảm bảo việc cung cấp dịch vụ của mình không bị chậm, vì vậy điều này không nên bị xem là vi phạm luật của Hàn Quốc.
Án phát từ Hàn Quốc đối với FaceBook có giá trị không quá lớn, nhưng nó xuất hiện đúng thời điểm mạng xã hội lớn nhất thế giới hứng chịu hàng loạt chỉ trích vì scandal làm lộ thông tin của hàng triệu người dùng, được cho là lớn nhất trong lịch sử của hãng.
Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.
Sử dụng Messenger không cần tài khoản Facebook Tính năng không liên kết với tài khoản Facebook nhưng vẫn trò chuyện với người khác giúp tránh rò rỉ dữ liệu cá nhân. |
Tác giả ứng dụng \'gây họa\' cho Facebook nói gì Giảng viên Đại học gốc Nga Aleksandr Kogan là cái tên liên tục được nhắc đến trong khủng hoảng lộ thông tin lớn nhất của ... |
Ngày đăng: 18:36 | 23/03/2018
/ vnexpress.net