Việc các biến chủng mới xuất hiện vẫn mang tới lo ngại về khả năng tái nhiễm virus đối với những trường hợp từng mắc bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết các F0 sau khi khỏi bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2.
“Những người tái nhiễm biến chủng mới vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa tiêm vaccine. Diễn biến bệnh khi tái nhiễm cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ ác tính của biến chủng”, vị chuyên gia cho biết.
Bác sĩ này lấy ví dụ một trường hợp từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Do biến chủng Delta có mức độ độc tính cao hơn nên người tái nhiễm vẫn có nguy cơ diễn biến nặng nếu chưa đảm bảo đủ mũi vaccine.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) cho biết một số ca tái nhiễm đã được ghi nhận tại Hong Kong, Ấn Độ, Mỹ..., song chưa phát hiện ở Việt Nam. Các nghiên cứu trên thế giới hiện nay chưa thống nhất mốc thời gian để tính là tái nhiễm, cũng như tỷ lệ tái nhiễm chung, song nhiều chuyên gia nhận định tỷ lệ này là khá thấp.
Ông Tiến dẫn một nghiên cứu của Mỹ công bố hồi tháng 3, cho thấy xét nghiệm Covid-19 trên 150.325 người, có 8.845 mẫu dương tính (5,9%) và 141.480 (94,1%) mẫu âm tính. Trong số các mẫu dương tính, xét nghiệm lại sau 90 ngày phát hiện 62 trường hợp tái nhiễm (0,7%). Trong đó, 31 bệnh nhân có các triệu chứng như khó thở, sốt, ho, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, nôn ói, tiêu chảy, nghẹt mũi, mất vị giác; 18 người tái nhiễm phải nhập viện nhưng không ai trở nặng, cần nhập hồi sức (ICU) hay tử vong.
Nghiên cứu này cũng đưa ra định nghĩa tái nhiễm là tình trạng người từng mắc Covid-19 bị mắc lại sau 90 ngày, kể từ lần lây nhiễm đầu tiên. Thời gian trung bình để tái nhiễm là 90-295 ngày. Còn tái dương là người bệnh có kết quả âm tính - dương tính lẫn lộn nhiều lần trong 90 ngày, kể từ lần mắc bệnh đầu tiên.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng các triệu chứng bệnh khi tái nhiễm Covid-19 nếu có sẽ rất nhẹ và nhanh chóng mất đi, thậm chí không cần bàn đến. Khả năng tái nhiễm Covid-19 nhiều lần tương tự các bệnh truyền nhiễm khác. Đơn cử một người có nguy cơ bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, do 4 chủng virus sốt xuất huyết khác nhau; hoặc có thể bị mắc cúm nhiều lần trong năm vì các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B...
Các chuyên gia y tế giải thích, sau khi khỏi Covid-19 hoặc tiêm đủ hai mũi vaccine, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập tiếp theo của virus. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Do đó, nếu kháng thể không đủ mạnh, người đã khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.
Người càng lớn tuổi, người bị suy giảm chức năng miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường, tim mạch mạn tính, cấy ghép tạng... thì khả năng tái nhiễm cao hơn người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Ngoài ra, những người chưa tiêm vaccine Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 2,34 lần so với người đã tiêm đủ hai mũi, theo công bố ngày 6/8 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bác sĩ Tiến nêu.
Để ngăn chặn Covid-19, bao gồm cả tình trạng tái nhiễm các biến chủng mới, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, Việt Nam và nhiều quốc gia đã triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba. Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Ăn uống, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện thể thao, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tái nhiễm.
PV (th)
Hà Nội dẫn đầu với gần 3.000 ca mắc, cả nước có hơn 5.000 F0 nặng |
F0 nặng tăng, Hà Nội tập trung nhân lực cho trạm y tế lưu động |
Cảnh báo người nhiễm COVID-19 không khai báo |
Ngày đăng: 09:54 | 17/01/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống