Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng tăng hơn 4% nhưng lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn EVN cho thấy, doanh thu bán hàng đạt 221.231 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ, nhưng giá vốn bán hàng lại tăng hơn 225.440 tỷ đồng, khiến lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ hơn 4.200 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung kết quả sau thuế hợp nhất, EVN đang lỗ 16.586 tỷ đồng mặc dù các loại chi phí khác của EVN thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 2,4%, chi phí quản lý giảm 2,3% và chi phí bán hàng giảm 4,8%.

Theo EVN, sở dĩ có khoản lỗ này là do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.

EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng 6 tháng đầu năm
EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng 6 tháng năm 2022 (Ảnh minh hoạ)

Giá nhiên liệu tăng đã duy trì xu hướng tăng sau đại dịch Covid cũng như tác động xung đột Nga - Ukraine.

Về giá than, kể từ khi xung đột, giá than đã vượt xa mức tăng của dầu thô, khí tự nhiên và các loại năng lượng truyền thống khác. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá than ngày 19/9 ghi nhận ở mức 439 USD/tấn, tăng 147.32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết ngày 15/7, kim ngạch nhập khẩu than vào khoảng 4,7 tỷ USD, bình quân khoảng 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá bình quân nhập khẩu than cùng kỳ 2021 (tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, bình quân giá than là 2,1 triệu đồng/tấn).

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 19,55 triệu tấn than các loại, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng kim ngạch đạt gần 5 tỷ USD, tăng tới 120,5%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD.

Tương tự, đối với giá khí LNG thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá tăng cao và có thể giữ đến hết năm 2022.

Như vây, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi 6-8 USD/triệu BTU thì nay lên khoảng 20 USD/triệu BTU.

Báo cáo của EVN vào tháng 7 cũng đã chỉ ra, bình quân giá than trộn của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD/tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD/thùng, gấp gần 2,5 lần.

Bên cạnh giá nhiên liệu tăng, giá sắt thép vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công các dự án nguồn và lưới điện cũng tăng cao khiến tình hình tài chính của EVN gặp khó khăn.

Mặc dù, giá đầu vào tăng cao nhưng EVN vẫn nỗ lực cân đối để không tăng giá bán điện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế.

https://congthuong.vn/evn-ly-giai-vi-sao-doanh-thu-tang-4-van-lo-gan-16600-ty-dong-220657.html

Ngày đăng: 08:27 | 21/09/2022

/