Gói trừng phạt thứ 12 của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Nga có hiệu lực từ hôm nay (19/12) bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương từ Nga.

Sau khi được toàn bộ thành viên EU thông qua, gói biện pháp trừng phạt Nga thứ 12 của EU bắt đầu đi vào hiệu lực từ hôm nay (19/12), bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga cũng như những viên kim cương Nga được gia công ở nước thứ ba hoặc vận chuyển quá cảnh qua Nga, theo Interfax.

EU tung đòn trừng phạt mới, cấm nhập kim cương Nga -0
EU và G7 tuyên bố phối hợp để siết hoạt động xuất khẩu kim cương của Nga. Ảnh minh họa: GettyImages

Lệnh cấm đối với kim cương Nga sẽ được phối hợp thực hiện với các nước thuộc nhóm G7, vốn trước đó cũng tuyên bố sẽ siết hoạt động xuất khẩu kim cương của Moscow.

Bên cạnh đó, EU quyết định mở rộng lệnh cấm quá cảnh hàng hóa từ EU qua lãnh thổ Nga để đi sang nước thứ ba đối với bất cứ hàng hóa nào có thể được sử dụng vì mục đích quân sự.

EU liệt kê thêm 140 cá nhân và pháp nhân, trong đó có 29 tổ chức của Nga vào danh sách đen cấm nhập cảnh hoặc phong tỏa tài sản. EU đồng thời cấm công dân Nga nắm giữ các vị trí cấp cao trong các công ty (trên lãnh thổ EU) mà cung cấp dịch vụ ví tiền điện tử cho người Nga.

Một loạt hạn chế cũng được đặt ra đối với hoạt động "cung cấp phần mềm quản lý doanh nghiệp và phần mềm sản xuất và thiết kế công nghiệp" cho Nga, theo Interfax.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt hàng chục gói biện pháp cấm vận mới, biến Moscow thành bên hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Mỹ và đồng minh từng kì vọng khiến kinh tế Nga sụp đổ vì các lệnh trừng phạt, nhưng Moscow đến nay cho thấy họ vẫn đang trụ vững trước áp lực phương Tây.

Tháng trước, hãng tin Anh Telegraph trích dẫn báo cáo của Amundi, nhà quản lý quỹ lớn nhất châu Âu tính theo quy mô tài sản, dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2024, trong khi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 0,5%.

Sang năm 2025, Amundi đánh giá Nga đạt mức tăng trưởng GDP 2%, còn Eurozone có thể đạt mức 1,2%. "Điều đó có nghĩa là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia - những nước phát triển lớn - không thể trừng phạt hiệu quả một quốc gia (như Nga)", ông Vincent Mortier, đại diện Amundi, nói.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/eu-tung-don-trung-phat-moi-cam-nhap-kim-cuong-nga-i717527/

Ngày đăng: 08:44 | 19/12/2023

Thái Hà / cand.com.vn