Liên minh châu Âu đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào Nga, trong đó, châu Phi là khu vực tiềm năng với nguồn khí đốt dồi dào.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với các nước châu Phi để giúp thay thế nguồn khí đốt của Nga và giảm gần 2/3 sự phụ thuộc vào năng lượng của nước này trong năm nay.
Bloomberg trích một bản dự thảo của EU cho biết, các quốc gia ở châu Phi như Nigeria, Senegal và Angola có tiềm năng lớn về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) chưa được khai thác. Để sử dụng nguồn khí đốt này thay thế cho năng lượng Nga, Ủy ban châu Âu sự định thông qua kế hoạch mở rộng nguồn năng lượng vào cuối tháng này.
Để thực hiện kế hoạch nhập khẩu thêm 50 tỷ m3 LNG và đa dạng nguồn cung năng lượng, EU cần tăng cường quan hệ với các nhà cung cấp năng lượng truyền thống và mở rộng giao dịch với các nhà cung cấp mới. Cụ thể, khối này đang nỗ lực lập ra một biên bản ghi nhớ ba bên với Ai Cập và Israel nhằm tăng nguồn LNG cung cấp cho châu Âu vào mùa hè năm nay. Liên minh châu Âu cũng dự định tăng gấp đôi công suất của Hành lang khí đốt phía Nam (SGC) lên 20 tỷ m3/năm.
Cơ quan điều hành của EU cũng cho biết rằng khối sẽ đảm bảo “các thị trường LNG toàn cầu mở, linh hoạt, có tính thanh khoản và hoạt động tốt” với các nhà cung cấp lớn như Mỹ, Úc, Qatar, và những nhà nhập khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, EU dự định nhập khẩu thêm 10 triệu tấn hydro vào năm 2030. Việc này sẽ giúp tiến gần hơn với mục tiêu trong Thỏa thuận xanh của khối.
Các mục tiêu cụ thể của Thỏa thuận xanh bao gồm đưa giảm phát thải carbon của toàn khối từ mức 40% về "ít nhất 50%" và hướng đến 55% vào năm 2030; tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo và nhanh chóng loại bỏ than; giảm hoặc chấm dứt miễn thuế nhiên liệu hàng không và hàng hải; tạo ra một quỹ trị giá 100 tỉ euro để thúc đẩy đầu tư xanh, ...
"Thỏa thuận xanh một mặt hướng đến mục tiêu cắt giảm phát thải nhưng mặt khác là tạo ra việc làm mới và thúc đẩy sáng tạo. Chúng ta hiện chưa có câu trả nhưng hôm nay là thời khắc khởi đầu - thời khắc có thể sánh với sự kiện loài người đặt chân lên mặt trăng của châu Âu", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Ngày đăng: 08:32 | 03/05/2022
/