Hôm nay, 18/5, Ủy ban châu Âu sẽ công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Theo nguồn tin của Reuters, kế hoạch trị giá 210 triệu euro gồm ba mũi nhọn: chuyển sang nhập khẩu nhiều khí đốt không phải của Nga, triển khai nhanh hơn năng lượng tái tạo và nỗ lực hơn nữa để tiết kiệm năng lượng. Kế hoạch này cũng  vạch ra một chương trình ngắn hạn cho các nguồn cung khí đốt không phải của Nga, nhấn mạnh tiềm năng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Ai Cập, Israel và Nigeria, cũng như những cơ sở hạ tầng cần thiết để “xoay trục” khỏi Nga.

Các biện pháp dự thảo, có thể thay đổi trước khi được công bố trong ngày 18/5 (theo giờ Brussels), cũng bao gồm sự kết hợp các luật của EU, những kế hoạch không bắt buộc và các khuyến nghị mà chính phủ các quốc gia thành viên liên minh có thể thực hiện.

Brussels dự kiến sẽ đầu tư 210 tỷ euro- mà khối đã có kế hoạch hỗ trợ bằng cách giải phóng thêm tiền từ quỹ phục hồi sau COVID-19, và kế hoạch này cuối cùng sẽ giúp làm giảm hàng tỷ euro mà châu Âu chi cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch mỗi năm.

k
Ảnh minh họa: Reuters

Nhu cầu khí đốt của châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 1/3 vào năm 2030 theo các mục tiêu của khối nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Và các đề xuất dự kiến ​​sẽ phác thảo mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn hydro tái tạo vào năm 2030 và nhập khẩu 10 triệu tấn khác - có thể được sử dụng để thay thế khí đốt trong công nghiệp, nhằm tránh nhiều năm bị kẹt về lượng khí thải.

Ủy ban châu Âu hiện đang xem xét đề xuất các mục tiêu cao hơn để mở rộng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, với 45% thị phần năng lượng tái tạo vào năm 2030, thay thế cho đề xuất 40% hiện tại. Việc cắt giảm 13% mức tiêu thụ năng lượng của EU vào năm 2030, so với mức sử dụng dự kiến, cũng đang được thảo luận để thay thế đề xuất 9% hiện tại.

Các phần khác của gói 3 mục tiêu bao gồm một luật được sửa đổi, cho phép cấp giấy phép đơn giản hóa trong một năm cho một số dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhằm cắt giảm thời hạn cấp phép kéo dài nhiều năm khiến các dự án như vậy bị trì hoãn. Kế hoạch mới của EU cũng yêu cầu các quốc gia thành viên lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời trong tất cả các tòa nhà công cộng mới, kể từ năm 2025.

Ngày đăng: 08:19 | 18/05/2022

P.V / Theo Nghề nghiệp Cuộc sống