Lãnh đạo EU đang chia rẽ trong việc liệu có tiến hành động thái mạnh mẽ tiếp theo như cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hay không.
Liên minh châu Âu (EU) cho thấy sự thống nhất hiếm thấy khi nhất trí quan điểm qua 4 vòng trừng phạt chưa từng có đối với Nga. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh hôm 24/3, 27 nhà lãnh đạo khối này phải đối mặt với sự chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề năng lượng.
Trong tháng đầu tiên khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, các quốc gia EU đã áp đặt loạt biện pháp cứng rắn nhằm vào nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga cũng như Tổng thống Vladimir Putin, các nhà tài phiệt Nga.
Phụ thuộc năng lượng Nga khiến EU cân nhắc trong việc áp đặt trừng phạt đối với Moskva trên lĩnh vực này. (Ảnh: AP) |
Không giống như Mỹ, đến nay, lãnh đạo EU thừa nhận sự phụ thuộc của các nước trong khối vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga, cũng như đảm bảo "bánh xe" của ngành công nghiệp vận hành một cách ổn định.
Các nước vốn phụ thuộc vào dầu mỏ hay khí đốt của Nga như Hà Lan, Đức, Bỉ, Áo cho rằng, việc áp đặt lệnh cấm vận đối với năng lượng nhập khẩu của Nga “sẽ có tác động tàn phá đối với nền kinh tế châu Âu”.
Theo Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, không nên thực hiện các biện pháp trừng phạt không cần thiết một khi có ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu.
Đồng quan điểm, theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, các nước EU vẫn còn quá chia rẽ trong việc đưa ra một thỏa thuận trừng phạt năng lượng đối với Nga tại hội nghị thượng đỉnh lần này.
“Chúng tôi thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhưng tôi không nghĩ nên áp đặt thêm trừng phạt. Đừng quên rằng gói trừng phạt được áp dụng vào thời điểm hiện tại cho đến nay là gói trừng phạt khó khăn nhất mà tôi từng thấy với tư cách là một chính trị gia”, ông Rutte nói.
Tuy nhiên, các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan, Phần Lan đòi hỏi lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn từ EU đối với Moskva.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói: “Nếu chúng ta còn mua năng lượng từ Nga thì đồng nghĩa đang tài trợ cho cuộc chiến".
“Chúng ta phải tiếp tục cô lập nền kinh tế Nga để ngăn dòng tiền chảy vào cỗ máy chiến tranh", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho hay.
Hơn 90% lượng khí đốt tự nhiên EU nhập khẩu hàng năm được sử dụng để sản xuất điện, sưởi ấm và phục vụ cho các một số ngành công nghiệp, trong đó Nga cung cấp gần 40% lượng khí đốt và một phần tư lượng dầu cho EU.
Thay vì cấm vận, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của khối vào khí đốt của Nga trong năm nay. EU đang đàm phán với Mỹ để đảm bảo cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng và cũng đã bắt đầu thảo luận với các nhà cung cấp khác.
Theo EC, trong năm 2021, nhập khẩu hàng hóa Nga của EU trị giá 158,5 tỷ euro, trong đó nhiên liệu và khoáng sản chiếm 62%, tương đương 98,9 tỷ euro.
KÔNG ANH (Nguồn: ABC News)
Mỹ - EU chuẩn bị ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng? |
Mỹ trừng phạt các tổ chức của Nga, Trung Quốc và Triều Tiên |
Ngày đăng: 17:24 | 25/03/2022
/ vtc.vn