Đầu tháng 10 vừa qua, 44 nhà lãnh đạo châu Âu đã tập trung tại Praha, Cộng hòa Czech, để giới thiệu một khuôn khổ mới gọi là Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC). Sáng kiến này ban đầu vấp phải sự hoài nghi, nhưng sau đó nhanh chóng thu hút sự chú ý, với kết luận thể hiện EPC là một “nền tảng cho sự phối hợp chính trị”.

EPC quy tụ 27 thành viên của EU, 6 quốc gia ở Tây Balkan (bao gồm Albania, Bắc Macedonia, Kosovo, Serbia, Bosnia và Herzegovina, Montenegro), các quốc gia của Bộ ba liên kết (Gruzia, Moldova và Ukraine), Armenia và Azerbaijan, 4 quốc gia thuộc Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein), Vương quốc Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, tổng cộng là 44 quốc gia.

EPC: Phép thử của châu Âu -0
EPC là một diễn đàn, nơi các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau và trao đổi thoải mái.

Định dạng này đã thúc đẩy các cuộc tranh luận quan trọng, chủ yếu là về sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và là một ứng viên gia nhập EU nhưng có tranh chấp lâu nay với Hy Lạp, với căng thẳng gia tăng ở biển Aegea và hơn nữa là tranh chấp với đảo Cyprus. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một đối tác khó khăn của EU trong những năm gần đây trong nhiều vấn đề và đã gây ra quan ngại trong NATO khi cản trở nỗ lực của Thụy Điển, Phần Lan gia nhập liên minh. Ngoài ra, sự hiện diện của các quốc gia Nam Caucasus cũng đặt ra một số câu hỏi về việc liệu các nước này có thuộc “gia đình hạt nhân châu Âu” hay không. Câu hỏi này có vẻ dễ trả lời trong trường hợp của Gruzia, một đối tác thân cận của NATO nhưng lại khó trả lời hơn khi xét đến Armenia và Azerbaijan, đặc biệt là thời điểm xung đột quân sự giữa hai nước vừa mới nổ ra.

EPC không có ngân sách chính thức, cờ hiệu, ban thư ký hoặc bất kỳ cơ cấu thực sự nào, nên nhiều người tỏ ra chưa thực sự tin về những gì sẽ xảy ra. EPC được hình dung như một diễn đàn đối thoại giữa các quốc gia châu Âu thông qua một khuôn khổ thoải mái, đòi hỏi ít quy tắc thủ tục hơn và có cấu trúc lỏng lẻo hơn so với EU hoặc các tổ chức đa phương khác như OSCE, Hội đồng châu Âu hoặc NATO. Mục tiêu của EPC không phải là để đưa ra các kết luận hoặc quyết định chính thức sau các cuộc họp, mà là tạo ra một không gian để đối thoại.

EPC: Phép thử của châu Âu -0
Chủ tịch EC Charles Michel, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Pháp Emanuel Macron và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Thủ đô Prague, Cộng hòa Czech.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala đã mô tả EPC là một “nền tảng không chính thức” để các nhà lãnh đạo gặp nhau mỗi năm 2 lần nhằm thảo luận về những vấn đề cấp bách nhất liên quan đến lục địa. Mặc dù không có nhiều kỳ vọng đạt được kết quả hữu hình, nhưng rõ ràng mục tiêu của EPC không chỉ là một diễn đàn đối thoại. Để đạt được mục tiêu này, cuộc họp đầu tiên của EPC đã đạt được một số thành tựu ngoại giao đáng chú ý và thể hiện một giá trị biểu tượng to lớn.

Đầu tiên, nó tạo điều kiện cho một bước đột phá giữa Armenia và Azerbaijan. Bức ảnh chụp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan là một bước đi ngoại giao quan trọng trong nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài sau cuộc giao tranh giữa hai nước này hồi tháng 9, khiến hơn 200 người thiệt mạng. Theo sau hội nghị EPC, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí với một sứ mệnh hòa bình của EU và giảm leo thang căng thẳng, với mục tiêu “xây dựng lòng tin” và “đóng góp cho các ủy ban biên giới”. Cũng có thể không cần có EPC, hai nước vẫn sẽ tìm đến hòa giải, nhưng nếu không có hội nghị thượng đỉnh, mà tạo động lực mạnh mẽ cho cả hai nước tham dự, thì rất có thể điều này đã không xảy ra sớm như vậy.

Một kết quả quan trọng khác của EPC là sự thay đổi quan điểm của Vương quốc Anh về Pháp. Hai nước đã đồng ý khôi phục lại Hội nghị thượng đỉnh Anh - Pháp vào năm 2023, sau 5 năm gián đoạn, để cùng xây dựng một “chương trình nghị sự song phương mới”. Có vẻ như EPC đã chứng minh rằng đối thoại có thể được tạo điều kiện và diễn ra bất chấp sự khác biệt giữa các quốc gia. Mặc dù nó đã làm được điều này mà không hoàn toàn dựa vào EU làm khuôn khổ cho đối thoại, hội nghị thượng đỉnh này cũng thể hiện vai trò trung tâm của EU đối với các vấn đề của châu Âu và các thành viên không thuộc EU.

EPC vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã chứng tỏ sự thành công trong mắt cộng đồng ngoại giao khi thể hiện sự thống nhất rõ ràng giữa các thành viên. Có vẻ như thông qua EPC, các nhà lãnh đạo Âu châu cảm thấy tự tin hơn, sau nhiều biến cố xảy ra liên tiếp có tác động mạnh vào các chiến lược riêng và mối quan hệ của họ.

Các cuộc họp EPC dự kiến sẽ được tổ chức 6 tháng một lần. Với cuộc họp đầu tiên đã kết thúc, dự tính cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Moldova vào mùa xuân năm sau. Sau Moldova, Tây Ban Nha đăng cai sẽ trở thành chủ nhà vào nửa cuối năm 2023, khi nước này giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu và sau đó quyền tổ chức hội nghị sẽ luân phiên chuyển sang Vương quốc Anh vào mùa xuân năm 2024. Mặc dù chưa có định dạng cụ thể nào được đem ra thảo luận về trách nhiệm đăng cai, một số suất đăng cai tiếp theo cho thấy sự luân phiên giữa 27 quốc gia thành viên EU và 17 quốc gia không phải thành viên EU, cũng như sự cân bằng về mặt địa lý đối với nơi tổ chức cuộc họp là ví dụ cụ thể về lòng tin đang được củng cố lại.

https://antg.cand.com.vn/hau-truong/epc-phep-thu-cua-chau-au-i673406/

Ngày đăng: 13:07 | 07/11/2022

Huy Thông / Công an nhân dân