Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số trường THCS trên địa bàn ngăn cản việc thi vào lớp 10 đối với những em học sinh được cho là có học lực không tốt, nhằm tạo ra thành tích ảo cho nhà trường là phản giáo dục. Điều đáng nói những đồn đoán này đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Trong ngày 19 và 20/4, mạng xã hội đã lan truyền thông tin phản ánh tình trạng một số học sinh có học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại Hà Nội đã được giáo viên chủ nhiệm “tư vấn” nên chuyển trường, lưu ban 1 năm hoặc làm "cam kết không thi vào lớp 10".
Chia sẻ với PV Báo CAND, một phụ huynh có con học lớp 8 tại Trường THCS Yên Hoà (Cầu Giấy) Hà Nội cho biết: Tuần trước, chị bất ngờ nhận được thông báo “triệu tập” của giáo viên chủ nhiệm sau khi các con có kết quả thi giữa học kỳ II. Lúc đầu chị cũng chỉ nghĩ điểm con không cao nên giáo viên gọi phụ huynh đến để chia sẻ cụ thể về tình hình của con để từ đó có giải pháp giúp các con củng cố kiến thức. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm đã nhấn mạnh việc gia đình phải có kế hoạch, bởi với kết quả này con sẽ lưu ban 1 năm hoặc rất khó thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập.
“Cả lớp con tôi có 16-20 học sinh bị điểm kém, tức chiếm 1/3 lớp. Điều này cho thấy đây là tình trạng chung của lớp sau cả một thời gian dài học online, chất lượng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các con vẫn còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc học kỳ II lớp 8 và cả 1 năm lớp 9 nữa để tập trung bù đắp kiến thức. Do vậy, việc vận động cha mẹ học sinh cho con lưu ban hoặc chuyển trường có gì đó bất nhẫn. Điều này cho thấy, các cô không thật sự quan tâm đến các con mà chỉ quan tâm đến thành tích của lớp, của trường. Học được thì giữ, không học được thì cho loại”- phụ huynh cho biết.
Cũng theo chia sẻ của phụ huynh này, trong khi gia đình chị phân vân trong việc tìm giải pháp cho con thì bất ngờ nhận thấy có một phụ huynh out ra khỏi group của lớp. Cảm giác có chuyện gì đó bất thường, chị đã liên lạc với phụ huynh đó và được biết, sau khi không thương lượng được với giáo viên, phụ huynh này đã buộc phải chuyển trường cho con, trong khi con thì cương quyết không muốn chuyển trường. “Trong câu chuyện này, tôi cảm thấy ranh giới giữa việc ép buộc và tự nguyện thật mong manh. Tôi sợ sau một thời gian không chịu được áp lực, sợ rằng nhiều phụ huynh khác sẽ phải rời bỏ như trường hợp của phụ huynh kia”-phụ huynh chia sẻ.
Chị L.Y, một phụ huynh có con đang học lớp 10 tại Hà Nội cũng cho biết, việc nhà trường vận động phụ huynh có con học lực yếu và trung bình cam kết không thi vào lớp 10 đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Nói là vận động thôi chứ trên thực tế nếu cha mẹ không đồng ý thì sẽ làm khó. Theo thông tin được cho là lan truyền từ một group phụ huynh một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm gặp riêng gia đình để khuyên ký cam kết không cho con thi vào lớp 10. Lý do là học sinh có lực học trung bình, không chăm học, không thể thi đỗ lớp 10 được. Cũng theo thông tin từ phụ huynh, họ còn được giáo viên nhắc khéo nếu con cố tình thi lớp 10 sẽ không được xét tốt nghiệp THCS. Ngược lại, nếu con đồng ý học trường THPT tư thục hay trường nghề, con sẽ được nâng đỡ để đạt học sinh tiên tiến, có học bạ đẹp để xét tuyển.
Một giáo viên có nhiều năm dạy bậc THCS tại Hà Nội cũng chia sẻ: Hàng năm, cứ vào dịp gần cuối học kỳ II là các trường THCS của Hà Nội lại cấp tập làm công tác hướng nghiệp. Đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm sẽ sàng lọc những em có lực học trung bình trở xuống, gọi phụ huynh đến và nói: “Con anh, chị ý thức chưa tốt, học rất yếu, không có khả năng thi vào 10 THPT. Nếu anh, chị làm đơn tự nguyện xin không thi vào 10 thì nhà trường tạo điều kiện cho con anh, chị tốt nghiệp, như vậy con anh chị vẫn được đi học trường nghề, vừa học nghề vừa học văn hóa, sau ba năm vẫn có bằng 12, lại có bằng nghề, muốn học đại học vẫn được. Còn các anh, chị vẫn cố tình đăng kí thi vào 10 thì sẽ không được tốt nghiệp THCS. Khi nhận được những thông điệp rõ ràng này, nhiều phụ huynh không chịu được áp lực đã phải làm đơn tự nguyện cho con không thi vào lớp 10”- giáo viên này cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tư vấn hướng nghiệp nhằm mục tiêu phân luồng sau THCS là chủ trương đúng của Nhà nước và nhiệm vụ này đã được giao cho các trường THCS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện mỗi giáo viên phụ trách lớp 9, mỗi trường THCS lại có cách làm không giống nhau. Điều này khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi, đằng sau việc "tư vấn' là gì? Vì thành tích của giáo viên, của trường khi loại được học sinh yếu kém hay vì trường THCS có sự 'bắt tay' với các trường THPT tư thục, trường trung cấp nghề để thu hút nguồn tuyển sinh?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã nắm được thông tin và đang xác minh sự việc. Trong ngày 20/4, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có văn bản gửi cho các trường THCS yêu cầu các trường chấn chỉnh việc tư vấn hướng nghiệp, không để tình trạng ép học sinh bỏ thi, học trường tư hay học nghề.
Cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, các đơn vị chức năng xác minh làm rõ thông tin phụ huynh phản ánh và sẽ xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Ngày đăng: 15:22 | 20/04/2022
/