Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang quay trở lại và tác động đến nhiều khu vực ở Đông Nam Á, đe dọa nguồn cung lúa gạo thiết yếu từ khu vực này, đặt ra yêu cầu cấp thiết hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp và quản lý rủi ro khí hậu.

el-nino-dien-bien-phuc-tap-de-doa-nguon-cung-gao-o-dong-nam-a-3005-9401
El Nino diễn biến phức tạp đe dọa nguồn cung gạo ở Đông Nam Á

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan vào đầu năm 2024

Lần đầu tiên sau 7 năm, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đã quay trở lại từ tháng 6-2023. Hồi tháng 8-2023, khắp vùng xích đạo Thái Bình Dương, đặc biệt ở khu vực trung tâm và phía Trung - Đông Thái Bình Dương, nhiệt độ mặt nước biển đã cao hơn mức trung bình. Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ đã chính thức tuyên bố giai đoạn 2023-2024 là năm El Nino.

Theo Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC), El Nino là hiện tượng khí hậu tự nhiên có tính chu kỳ có thể xảy ra trong khoảng từ hai đến bảy năm một lần. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự nóng lên của mặt nước biển ở Thái Bình Dương, làm thay đổi lượng mưa và gió bề mặt, từ đó làm thay đổi dòng hải lưu và nhiệt độ mặt nước biển.

Sự kiện El Nino được tuyên bố khi nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới phía đông Thái Bình Dương cao hơn mức trung bình dài hạn. El Nino thường kéo dài trong khoảng một năm và mỗi lần El Nino xảy ra đều khác nhau. Hiện tượng El Nino gần đây nhất diễn ra vào giai đoạn 2015-2016, với mức nhiệt cao kỷ lục, ảnh hưởng đến 60 triệu người trên toàn cầu. Đợt El Nino 2015-2016 thậm chí được gọi là Gozilla, tên của một quái vật viễn tưởng khổng lồ, bởi những tác động to lớn mà hiện tượng này gây ra.

Trong khi các nhà khoa học chưa thể xác nhận cường độ của đợt El Nino lần này, nhiều người cho rằng nó vẫn chưa bộc lộ toàn bộ tác động. Giáo sư Benjamin Horton, Giám đốc đài quan sát trái đất Singapore nhận định: “75-85% khả năng El Nino lần này sẽ mạnh”. Còn theo Trung tâm dự báo khí hậu (CPC) của Mỹ, hơn 95% nguy cơ hình thái thời tiết El Nino sẽ tiếp diễn vào mùa đông của Bán cầu Bắc từ tháng 1 đến tháng 3-2024, theo đó sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.

Do thường gây bão, sâu bệnh, hạn hán và lũ lụt, giới chuyên gia đánh giá kiểu hình thời tiết này có thể gây thiệt hại đến cây lúa vốn là nguồn cung cấp lương thực thiết yếu ở châu Á. Giới chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng El Nino đe dọa đến nguồn cung nhiều mặt hàng khác như cà phê, dầu cọ, đường, lúa mì và chocolate từ Đông Nam Á, Australia và châu Phi. Trong giai đoạn 2014-2016, sự kiện “Godzilla El Nino” đã khiến sản lượng gạo Đông Nam Á giảm 15 triệu tấn trong 2 năm, khiến hàng triệu người tại khu vực sản xuất và tiêu thụ khoảng 30% sản lượng gạo thế giới rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực.

Còn hiện tại, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những cú sốc về giá và tình trạng thiếu nguồn cung. Theo Ngân hàng Thế giới, với giá gạo toàn cầu năm nay đã cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến còn tăng, chính phủ quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu mặt hàng này đã gấp rút áp dụng các biện pháp giảm nhẹ tác động đối với người tiêu dùng, kiềm chế thị trường.

Ở Indonesia, chính phủ tiến hành chương trình phát gạo cho các hộ gia đình có thu nhập thấp kéo dài đến hè năm sau.

Philippines áp trần giá tạm thời trong thời hạn 1 tháng sau khi giá gạo đạt mức cao nhất trong 14 năm và công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12,7 tỷ peso (tương đương 228 triệu USD) cho nông dân, cùng với chương trình khí hậu trị giá 2,15 tỷ peso được Liên hợp quốc hỗ trợ. Tháng 10 vừa qua, Malaysia đã triển khai trợ cấp gạo nhập khẩu ở các bang Sabah và Sarawak, đồng thời khuyến cáo người dân không tích trữ mặt hàng này. Chính quyền Thái Lan thì kêu gọi nông dân cắt giảm diện tích trồng lúa, chỉ còn sản xuất vụ hè thu để tiết kiệm nước. Việt Nam đã công bố Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, theo đó đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu, trong khi giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn.

Tăng khả năng chống chịu trước El Nino

Đối phó với các tác động tiêu cực của El Nino, nhất là với sản xuất và nguồn cung cấp gạo, đã trở thành thách thức với các nước Đông Nam Á. Theo các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), vẫn còn thời gian để các nước ở khu vực Đông Nam Á đưa ra kế hoạch ứng phó nhằm giảm bớt những tác động tồi tệ nhất từ El Nino. Đây cũng là thời điểm để cải thiện sự phối hợp giữa các cơ chế của ASEAN liên quan nông nghiệp, thực phẩm và thủy sản nhằm hướng tới khả năng chống chịu tốt hơn trước hiện tượng khí hậu này.

Trên thực tế, các quốc gia Đông Nam Á đã rút ra bài học từ các sự kiện El Nino trong quá khứ và đã đầu tư vào các hoạt động chuẩn bị, giảm nhẹ và giảm thấp nhất rủi ro. Ở cấp độ khu vực, Trung tâm khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC) đã nâng cao năng lực cảnh báo khí tượng. Các hệ thống cảnh báo sớm đã được thiết lập như Hệ thống đánh giá nguy cơ hỏa hoạn khu vực (FDRS) ở Malaysia nhằm đánh giá nguy cơ cháy và dự đoán các đợt bùng phát cháy rừng, đồng thời giúp huy động nguồn lực để ứng phó sự cố. Hệ thống này hoạt động dựa trên 459 trạm khí tượng trên khắp ASEAN.

Nhiều nghiên cứu đã được dành riêng để phát triển các giống lúa chịu nhiệt và chịu hạn trong khu vực. Các trung tâm nghiên cứu trọng điểm ở Đông Nam Á như IRRI, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Trung tâm Nghiên cứu lúa gạo Indonesia (ICRR) và 28 trung tâm lúa gạo của Cục lúa gạo Thái Lan đã nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt. ASEAN cũng đã thành lập Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) vào năm 2011. Quỹ dự trữ này nhiều lần xoa dịu thị trường gạo kể từ khi thành lập. Năm 2008 khi Philippines rơi vào đợt siêu lạm phát gạo do thiếu nguồn cung, Nhật Bản đã đồng ý giải phóng kho dự trữ, giúp xoa dịu thị trường.

Các nước trong khu vực đều đã phát triển các chiến lược quy hoạch cấp quốc gia và địa phương để xây dựng các hệ thống phối hợp, chia sẻ nguồn lực cũng như thông tin. Để giải quyết tình trạng hạn hán dự kiến, Thái Lan đã phát triển một kế hoạch quản lý nước trên phạm vi toàn quốc. Các khu công nghiệp lớn của nước này, đặc biệt là ở Hành lang kinh tế phía Đông, đối phó với El Nino bằng cách lấp đầy các cơ sở dự trữ nước tư nhân để đảm bảo nguồn cung sản xuất.

Malaysia đã thành lập một “phòng tác chiến” để giám sát các hồ chứa nước. Vào tháng 6, Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Malaysia đã bắt đầu gieo mây, một phương pháp tạo mưa nhân tạo, ở khu vực phía Bắc của bán đảo Malaysia, nơi Cục khí tượng nước này đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ hạn hán. Khu vực này bao gồm cả Penang, nơi tập trung phần lớn ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn nước cho quá trình làm mát.

Ở Philippines, đích thân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước để đối phó với El Nino, đặc biệt là ở những nơi như nhà ở, tiệm rửa xe, sân golf và bể bơi. Việt Nam thì xây dựng kế hoạch ứng phó hạn hán đến năm 2025, nhằm chủ động ứng phó trong trường hợp tác động của El Nino kéo dài.

Ngày đăng: 21:14 | 19/11/2023

Hoàng Sơn / ANTĐ