Từ chỗ làm thực tập sinh không lương, trong vòng hơn một năm, Taylor Weyeneth đã có được công việc với mức lương 6 con số ở Nhà Trắng.

duong thang tien va sup do than toc cua mot nhan vien nha trang

Taylor Weyeneth. Ảnh: Washington Post.

Taylor Weyeneth, 24 tuổi, là một trong những nhân viên Nhà Trắng thăng tiến nhanh nhất dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ một thực tập sinh chiến dịch tranh cử không lương, không có kinh nghiệm chuyên môn, Weyeneth đã vươn lên đảm nhận vị trí cấp cao tại Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma túy (ONDCP) ở Nhà Trắng với mức lương 6 con số.

Nhưng vào ngày 14/1, vài giờ sau khi Washington Post đăng bài trên trang nhất về những hoài nghi liên quan tới hồ sơ lý lịch, bằng cấp của Weyeneth, chàng trai trẻ bắt đầu thấy lo âu.

"Tôi có thể hỏi kế hoạch cho tôi vào lúc này là gì không", Weyeneth gửi tin nhắn cho quan chức Nhà Trắng từng đề bạt anh.

"Cậu sẽ ổn thôi. Không cần phải làm gì", Sean Doocey, phó giám đốc Văn phòng Nhân sự Tổng thống (PPO) lúc bấy giờ, trả lời. "Đấy chỉ là tin rác rưởi từ một tờ báo rác rưởi".

Hai tháng sau, anh bị sa thải.

Weyeneth mới đây đồng ý trả lời phỏng vấn Washington Post để chia sẻ về những kinh nghiệm làm việc trong chính quyền cũng như sự thăng tiến được cho là bất thường của anh ở Nhà Trắng.

Qua hơn một năm, Weyeneth 6 lần thăng chức cả ở chiến dịch tranh cử lẫn trong chính quyền Trump. Đỉnh điểm, anh được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng cơ quan kiểm soát chính sách ma túy. Công việc của Weyeneth là giám sát các nhân viên lâu năm và giúp thực hiện một chiến dịch chống nạn lạm dụng thuốc giảm đau opioid.

"Nó còn hơn cả giấc mơ", Weyeneth nhớ lại cảm giác khi được thăng chức dù anh vẫn lo lắng trước nguy cơ bị phản đối vì thiếu bằng cấp. "Tôi đã đi quá xa ư? Liệu công chúng có phản ứng không? Liệu tôi có lên báo không?".

Câu chuyện của Weyeneth mang đến cái nhìn cận cảnh vào những hỗn loạn bên trong chính quyền Trump sau năm đầu tiên. Anh là một trong 250 người được bổ nhiệm vào các cơ quan liên bang và Nhà Trắng rồi sau đó phải rời chính quyền. Nhiều người chỉ làm việc vài tuần hoặc vài tháng.

Giờ đây, Weyeneth chỉ làm các công việc tạm thời và đang tìm kiếm việc mới trong khu vực tư nhân.

Qua các cuộc phỏng vấn, Weyeneth thừa nhận những lỗi lầm của mình, bao gồm các sai phạm liên quan đến hồ sơ. Anh cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Trump và không hối hận vì đã làm việc cho ông. Tuy nhiên, Weyeneth than thở anh cảm thấy thất vọng bởi chính Doocey và các quan chức khác đã trấn an rằng anh đủ khả năng đảm nhận công việc và họ sẽ bảo vệ anh trước dư luận.

"Đến một thời điểm những người từng rất ủng hộ và che chở tôi, ít nhất là tôi tin như vậy, không thể tiếp tục ủng hộ tôi nữa", Weyeneth nói.

Kể câu chuyện của mình với Washington Post, Weyeneth cho biết anh muốn mở ra cơ hội thứ hai. Weyeneth hy vọng các nhà tuyển dụng có thể nhìn anh theo chiều hướng khác khi họ tìm kiếm thông tin về anh trên mạng.

Cơ hội

Taylor Weyeneth xuất thân từ một gia đình trung lưu ở New York. Nhiều bạn bè của anh nghiện các chất kích thích và một người đã qua đời vì dùng heroin quá liều. Weyeneth bắt đầu có cảm tình với Trump từ mùa thu năm 2015 khi ông tuyên bố cần phải đấu tranh chống lại cuộc khủng hoảng opioid và cắt giảm thuế trong chiến dịch tranh cử.

Tới mùa xuân, đang suy nghĩ về việc làm gì sau tốt nghiệp, Weyeneth lên trang web tranh cử của Trump, điền vào đơn xin làm tình nguyện viên. Anh được nhận, trở thành thực tập sinh tại trụ sở chiến dịch tranh cử ở New York.

Vài tuần sau, Weyeneth được thăng chức lần đầu tiên, trở thành người quản lý một số thực tập sinh với mức thu nhập tương đương 48.000 USD/năm.

Weyeneth nhanh chóng gây chú ý với Jeff DeWit, giám đốc điều hành mới của chiến dịch. Thời điểm đó, trụ sở chính chỉ có hơn 10 nhân viên làm việc toàn thời gian.

Trả lời một cuộc phỏng vấn, DeWit cho hay Weyeneth khiến ông ấn tượng bởi anh luôn đi sớm về muộn và làm việc chăm chỉ. "Đó là một cậu bé ngoan", DeWit nói.

Sau vài tuần, Weyeneth được đề cử làm điều phối viên cho ban quản lý cử tri quốc gia, vị trí đòi hỏi phải thực hiện các công việc hậu cần, bao gồm giúp mở một trung tâm tiếp nhận cuộc gọi ở Texas. Weyeneth chia sẻ anh thấy tự hào vì được tham gia thực hiện các báo cáo hàng ngày, liệt kê số lượng cuộc gọi, email và tiền quyên góp cho chiến dịch tranh cử của Trump.

Không lâu trước cuộc bầu cử, Weyeneth có một cơ hội khác để tỏa sáng. Một nhân viên từ văn phòng của Rick Dearborn, cố vấn chính sách cấp cao cho Trump, đã yêu cầu anh và các thực tập sinh khác lập một danh sách những nghị sĩ đảng Cộng hòa và gương mặt chính trị công khai ủng hộ Trump.

Muốn gây ấn tượng với Dearborn, Weyeneth và các thực tập sinh nhanh chóng hoàn thiện bản kê. "Chúng tôi hoàn thành nó ngay lập tức", Weyeneth kể. "Nó cho thấy sự tận tâm và nhiệt thành của chúng tôi".

Khi Trump giành thắng lợi trên đường đua vào Nhà Trắng, Weyeneth đã rất hân hoan. Một bức ảnh chụp vào đêm khi kết quả được công bố cho thấy Weyeneth cùng các tình nguyện viên uống bia và hò hét chúc mừng.

duong thang tien va sup do than toc cua mot nhan vien nha trang

Weyeneth (ngoài cùng bên phải) ăn mừng cùng các tình nguyện viên khác khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ được công bố với chiến thắng thuộc về Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Weyeneth vui mừng vì cơ hội được làm việc cho chính quyền Trump. Gọi cho văn phòng của Dearborn, anh dõng dạc tuyên bố: "Nghe này, tôi muốn lên thuyền".

Yêu cầu được đưa ra đúng thời điểm. Ngày 11/11/2016, Trump sa thải người đứng đầu ban chuyển giao quyền lực, Thống đốc New Jersey Chris Christie, và bác bỏ một danh sách dài những người được đề cử làm việc cho các cơ quan thuộc nhánh hành pháp.

Việc làm của Trump tạo ra khởi đầu khó khăn cho chính quyền song lại là cơ hội đối với Weyeneth và những người trẻ khác.

"Chỉ sau vài ngày, tôi có mặt trong đội ngũ chuyển giao quyền lực", Weyeneth nói. "Nó mở lối cho tôi đi trên một con đường hoàn toàn khác".

Weyeneth làm việc trực tiếp với Dearborn, giám đốc điều hành mới của ban chuyển giao quyền lực, giúp sắp xếp việc đi lại của các nhân viên cùng những công việc hành chính khác. Sau Giáng sinh, Weyeneth nhận lệnh giúp chuẩn bị cho văn phòng chuyển giao quyền lực ở Washington. Anh thuê một chiếc xe van, xếp hành lý và lên đường tiến về phía nam vào đúng ngày đầu năm mới.

Ngày 10/1/2017, Weyeneth nhận được email từ một quan chức chuyển giao quyền lực xác nhận hành động tiếp theo của anh: Trở thành trợ lý cho đội ngũ đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ. Email Weyeneth cung cấp đã chứng minh thông tin trên.

"Tôi đã là nhân viên cho một tổng thống Mỹ", Weyeneth chia sẻ về cảm giác sung sướng lúc nhận tin.

Weyeneth trở thành thành viên của một đội chịu trách nhiệm giúp đỡ những ứng viên mới nhận công việc suôn sẻ, đảm bảo họ hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ đúng thời hạn.

Rất nhanh chóng, Weyeneth tiếp tục được bổ nhiệm làm phó ban liên lạc với Nhà Trắng, là một phần trong mạng lưới giúp tuyển dụng các quan chức trong bộ và trao đổi thường xuyên với giới chức Nhà Trắng về hoạt động của cơ quan, những chiến lược chính trị hay các bản tin.

Tuy nhiên, Weyeneth không ở Bộ Tài chính quá lâu, bởi một cánh cửa khác lại mở ra. Một người bạn của Weyeneth làm liên lạc viên tại ONDCP gọi cho anh và thông báo rằng cô chuẩn bị chuyển công tác, hỏi anh có muốn công việc kia không.

"Tôi trả lời lời chắc chắn rồi, đây là một vấn đề quan trọng với quốc gia. Tổng thống quan tâm tới nó", Weyeneth nhớ lại lúc trả lời người bạn. "Tôi chuyển tới ONDCP ngày 13/3/2017, ngày tôi không bao giờ quên. Có thể cầm trong tay tấm phù hiệu, ra vào Nhà Trắng thoải mái và gặp gỡ nhiều người . Bạn biết không, mỗi lần ăn trưa bên cạnh Cánh Tây thật sự là điều kỳ diệu".

Công việc mới mang tới cho Weyeneth mức thu nhập 79.720 USD/năm, song cũng đi kèm rủi ro.

ONDCP có nhiệm vụ phối hợp công tác chống ma túy giữa các cơ quan chính quyền với nhau, nhưng nó đang đứng bên bờ vực. Nhà Trắng đã ra tín hiệu rằng có thể giảm mạnh ngân sách của ONDCP. Văn phòng chưa có lãnh đạo thường trực và đang mất dần các nhân viên có thể báo cáo tình hình của ONDCP với Nhà Trắng.

Dù vậy, Weyeneth vẫn tràn đầy tham vọng. Đầu tháng 7/2017, anh đùa với một đồng nghiệp rằng mình muốn ngày nào đó trở thành chánh văn phòng ONDCP, chức vụ từng do một tướng quân đội hay những người giàu kinh nghiệm nắm giữ.

Weyeneth vẫn nhớ rõ cuộc đối thoại khi ấy bởi phản ứng mà anh nhận được từ đồng nghiệp.

"Hy vọng nó không diễn ra quá sớm", người đồng nghiệp nói.

"Tại sao vậy? Anh nghĩ điều này tệ thế à?", Weyeneth hỏi.

"Hãy chờ mà xem công chúng phản ứng thế nào", người đồng nghiệp đáp.

Khoảng ba tuần sau, ngày 29/7, Doocey triệu tập Weyeneth. Ông cho anh xem một văn bản có ghi rằng Lawrence "Chip" Muir, người vừa trở thành cố vấn của ONDCP, giờ đây sẽ nhận chức chánh văn phòng. Weyeneth được chỉ định làm phó chánh văn phòng, biến anh trở thành người có quyền lực cao thứ ba trong cơ quan.

Việc thay đổi nhân sự diễn ra trong ngày. Lương của Weyeneth tăng lên 112.000 USD. Những tuần đầu tiên, Weyeneth rất lo lắng về việc báo chí sẽ viết về anh, tập trung vào vấn đề kinh nghiệm của anh. Khi không có gì diễn ra, anh vui vẻ tận hưởng công việc.

Điểm sụp đổ

Weyeneth không hay biết nhưng Washington Post có để ý tới anh. Ngày 12/1/2018, sau khi tờ báo mô tả về bản tin của mình với Nhà Trắng, một quan chức chính quyền ra thông báo cho biết những điểm khác biệt và không chính xác trong hồ sơ lý lịch của Weyeneth đã lộ ra trong quá trình kiểm tra thông tin an ninh.

Weyeneth được cho phép nộp bản hồ sơ lý lịch khác. Anh khẳng định những thông tin sai trong hồ sơ, như việc anh khai mình có bằng thạc sĩ, là nhầm lẫn do vội vàng, không phải cố tình.

Dù vậy, Weyeneth vẫn bị cho thôi chức phó chánh văn phòng và trở về đảm nhận một công việc cấp thấp hơn.

Washington Post đăng câu chuyện về Weyeneth vào tối muộn ngày 13/1. Sáng hôm sau, Doocey đã gửi tin nhắn cho anh, theo các bản copy mà Weyeneth cung cấp.

"Không tệ đến thế đâu", Doocey viết. "Dù họ có tìm cách đâm dao vào mặt anh".

"Ngài hẳn biết rõ tôi rất vui vì nhận được sự ủng hộ từ ngài", Weyeneth trả lời. "Cảm ơn".

"Anh sẽ ổn thôi", Doocey viết tiếp. "Anh không làm gì sai cả".

Johnny DeStefano, giám đốc PPO khi ấy, trong buổi sáng cùng ngày cũng viết một email cho Weyeneth.

"Cứ bình tĩnh. Thứ rác rưởi thiếu công bằng trên Washington Post", DeStefano viết. "Anh đã làm tốt công việc".

Weyeneth đã cảm thấy nhẹ nhõm vì được trở về với một công việc "phù hợp hơn" với độ tuổi cũng như kinh nghiệm của mình, anh chia sẻ. Nhưng rất nhanh chóng, sự bình tĩnh ở Weyeneth tan vỡ.

Bài viết tiếp theo của Washington Post dẫn lời một cộng sự thuộc một công ty luật ở New York nói rằng khi Weyeneth làm trợ lý pháp lý tại đây, sau một khoảng thời gian, anh bỗng nhiên "không xuất hiện nữa".

Tuy nhiên mới đây, vị luật sư trên, ông Brian O\'Dwyer, thừa nhận thông tin mình đưa ra không hoàn toàn chính xác, Weyeneth đã xin thôi việc.

Weyeneth cho biết Nhà Trắng không để anh tự biện hộ trước câu chuyện của Washington Post. Theo anh, nguyên nhân có lẽ bởi họ lo lắng nếu anh trả lời truyền thông, người ta sẽ hỏi anh đến được với công việc ở Nhà Trắng như thế nào.

Khi nhiều cơ quan truyền thông, báo chí hơn vào cuộc, Nhà Trắng nhanh chóng ra một thông báo khác, khẳng định Weyeneth đã quyết định rời ­ONDCP vào cuối tháng.

Weyeneth kể lúc bước chân khỏi Nhà Trắng lần cuối, anh tuyệt vọng về tương lai của mình.

PPO sắp xếp để cử Weyeneth tới Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD), nơi anh làm công việc trợ lý cấp thấp nhất. Đến ngày 22/3, Weyeneth nhận quyết định thôi việc. Weyeneth chia sẻ anh cảm thấy chua chát khi được hộ tống rời khỏi tòa nhà.

"Mọi thứ diễn ra ở Nhà Trắng và việc tôi phải rời Nhà Trắng thật khủng khiếp", Weyeneth nói. "Rồi tôi bị cho thôi việc ở HUD... Tôi đau khổ tới tận tâm can".

Weyeneth cuối cùng nhận ra anh có thể tránh những rắc rối nếu chuẩn bị hồ sơ lý lịch tốt hơn và chỉ đảm nhận những công việc phù hợp với mình vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Weyeneth vẫn cho rằng nếu người khác ở vào vị trí như vậy, họ vẫn sẽ chấp nhận công việc giống anh.

Nói về tương lai, Weyeneth tin con đường phía trước sẽ ổn định hơn vì những gì anh đã trải qua. "Dù tôi phải đi lùi vài bước, hiện giờ, tôi vẫn vô cùng tự tin về tương lai phía trước", Weyeneth quả quyết.

duong thang tien va sup do than toc cua mot nhan vien nha trang Người phụ nữ đầu tiên chạy đua vào Nhà Trắng (Kỳ 1): Cái tên đặc biệt

Đó không phải là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton dù bà vừa lập kỳ tích lịch sử khi trở thành nữ ứng cử viên tổng ...

duong thang tien va sup do than toc cua mot nhan vien nha trang Phát ngôn viên Nhà Trắng bị mời rời khỏi nhà hàng

Sarah Sanders và gia đình buộc phải rời một nhà hàng ở Virginia chỉ vì cô làm việc cho Trump.

Ngày đăng: 14:24 | 28/06/2018

/ https://vnexpress.net