4 ngày xảy ra liên tiếp 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến người dân, ngành đường sắt và cả xã hội hoang mang về độ an toàn của một trong những phương tiện vận chuyển quá quen thuộc.
Tại sao lại xảy ra tình trạng này và đâu là giải pháp, phóng viên Lao Động có cuộc trao đổi với chuyên gia Vận tải Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội xung quanh câu chuyện này.
Ông đánh giá như thế nào về việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng trong những ngày vừa qua khiến 3 người chết, 10 người bị thương, đồng thời tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng?
- Chỉ trong 4 ngày xảy ra liên tiếp 5 vụ tai nạn giao thông đường sắt là một điều đáng tiếc, gây ra nhiều thiệt thòi cho người dân, cho xã hội và cả ngành đường sắt. Lâu nay đường sắt, tàu hỏa là một phương tiện tương đối an toàn hơn so với những phương tiện vận tải khác thì liên tục xảy ra tai nạn như vậy thật là điều đau xót với ngành đường sắt.
Phải thấy rằng, đường sắt từ trước tới nay đã đảm bảo xây dựng và thực hiện các quy trình vận hành chạy tàu hết sức chặt chẽ vì được thừa hưởng kinh nghiệm quản lý đường sắt của thế giới. Việc xảy ra nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng trong thời gian ngắn như vậy thì cần phải xem xét lại các quy trình này.
Theo ông, những nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn vừa qua?
- Nguyên nhân chính xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường sắt có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, cán bộ thực thi công vụ, công nhân viên trực tiếp, những người quản lý điều hành chưa hoàn thành trách nhiệm đồng thời có phần chủ quan, lơ là khi thấy một thời gian dài đường sắt không xảy ra tai nạn. Thứ hai về mặt kỹ thuật, đường sắt Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những khiếm khuyết. Bánh xe chạy 40 – 50 năm đã bị lão hóa. Đá trên đường sắt quy định phải 70 phân thì chạy mới nhanh, mới êm và không bị xóc, nhưng ngành đường sắt không có vốn để đầu tư nên lượng đá để đảm bảo ray ổn định rất ít, không đảm bảo yêu cầu.
Trong khi đó, với sự phát triển của xã hội ngày nay, ngành đường sắt nên áp dụng những phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong thời đại 4.0 để soi ra, phát hiện ra những khuyết tật chứ không thể để đến khi xảy ra tai nạn rồi mới tìm cách khắc phục. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, khó khăn muôn thuở của ngành đường sắt là vấn đề tài chính, kinh doanh không có lãi cho nên áp dụng các kỹ thuật hiện đại là rất khó khăn.
Về vấn đề này Nhà nước nên quan tâm đầu tư cho ngành đường sắt để đảm bảo an toàn cho hành khách. Thứ ba, những ngành qua là những ngày thời tiết nắng nóng nên sức khỏe của nhân viên lái tàu, nhân viên đường sắt có phần bị ảnh hưởng. Các cơ quan quản lý cần quan tâm bảo vệ, chăm lo cho sức khỏe của nhân viên đường sắt, đảm bảo sức khỏe, làm sao cho họ đủ tỉnh táo trong việc điều hành công việc.
Ông đánh giá như thế nào về hạ tầng của ngành đường sắt hiện nay? Và hạ tầng đường sắt Việt Nam có đang ảnh hưởng đến vấn đề an toàn chạy tàu?
- Thiết bị, kỹ thuật của ngành đường sắt đang ngày càng hao mòn, chất lượng ngày càng giảm đi gây ảnh hưởng đến an toàn của ngành đường sắt. Cách đây vài năm do toa xe tàu thiếu và chất lượng giảm nên chúng ta có đặt vấn đề mua lại 100 xe của Trung Quốc nhưng rồi không mua được nên vẫn phải sử dụng xe cũ. Hơn nữa việc mua xe mới rất khó khăn vì hiện nay trên thế giới không sản xuất các xe khổ đường 1m nữa, do đó chúng ta phải đặt riêng các đơn hàng với giá thành rất cao.
Để xảy ra những tai nạn đáng tiếc như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Những tai nạn xảy ra trong thời gian qua liên quan đến nhà ga, gác chắn, hệ thống quản lý an toàn trong ngành đường sắt, thông tin tín hiệu, lái tàu nhưng trước hết Tổng Công ty đường sắt phải chịu trách nhiệm, còn thông qua việc điều tra, đánh giá để tìm ra các nguyên nhân cụ thể. Trong đó có cả những nguyên nhân khách quan từ các lái xe bồn, xe tải, thời tiết cũng gây ảnh hưởng nhiều. Qua những vụ tai nạn này ngành đường sắt nên có một cuộc tổng kiểm tra để phát hiện thêm những nguyên nhân và khắc phục nó.
Ông có kiến nghị, đề xuất gì để hạn chế những tai nạn đường sắt xảy ra trong thời gian tới?
- Trước mắt ngành đường sắt phải tăng cường kỷ luật lao động đối với nhân viên đường sắt, cần thực hiện đúng quy trình, quy định. Thứ hai, đối với những người để xảy ra tai nạn, bất cứ là vì nguyên nhân gì cũng phải bị xử lý nghiêm túc để làm gương cho cả tập thể đường sắt, đồng thời nâng cao trách nhiệm của công chức, nhân viên, người lao động.
Thứ ba, Nhà nước cần có sự quan tâm đúng mực với ngành đường sắt, cần đổi mới phương tiện, thiết bị phải nâng cấp ngành đường sắt lên từ việc chạy tàu cổ điển như hiện nay lên tàu tốc độ cao, nâng cấp khổ đường lên 1,435m.
Có như thế mới hạn chế được những tai nạn đáng tiếc xảy ra để người dân yên tâm hơn trong việc sử dụng phương tiện di chuyển này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tàu đâm văng xe tải trượt khỏi đường ray, đường sắt tê liệt
Xe tải chở đá từ mỏ ra QL1A, đoạn qua Nghệ An do thiếu quan sát nên đã vượt đường dân sinh khi có tàu ... |
Ôtô húc văng thanh chắn, lao qua trước mũi tàu hỏa ở Sài Gòn
Chiếc ôtô húc văng thanh chắn băng qua đường ray trước khi tàu hỏa lao tới khiến nhiều người dân hốt hoảng. |
4 vụ tai nạn đường sắt trong 1 tuần: "Nói Cục Đường sắt không có lỗi là phát biểu vô cảm, thiếu trách nhiệm"
"Để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, lãnh đạo Cục không thể thoái thác trách nhiệm. Trách nhiệm của các bên đối với ... |
Tai nạn đường sắt thảm khốc ở Thanh Hoá: Lỗi của nhân viên gác chắn
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết “nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn ... |
Ngày đăng: 08:49 | 03/06/2018
/ https://laodong.vn