Theo phương án mới, tổng vốn đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ giảm 200 triệu USD do rút ngắn 5 km so với dự tính trước đây.

Đây là phương án được Viện khoa học và Công nghệ Phương Nam (đơn vị nghiên cứu) đánh giá khả thi, mới trình Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Hiện, Bộ giao Ban quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025.

1610 139669180 229790781971012 5435 4874 1709 1611266379
Hướng tuyến theo đề xuất mới của đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Đồ họa: Khánh Hoàng.

Tuyến đường sắt đi qua 5 tỉnh thành: TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Theo phương án mới, tuyến dài 135 km, giảm hơn 5 km và giảm một ga so với quy hoạch trước đây. Việc giảm do dự án được điều chỉnh chạy dọc hành lang bên phải trục cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Điểm đầu tuyến tại ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM), điểm cuối tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Dự án làm tuyến nhánh từ ga Thạnh Phú đi hai cảng Long An, Hiệp Phước, dài 44 km thuộc địa bàn TP HCM và Long An.

Trên tuyến chính có 9 ga đô thị, gồm: Tân Kiên (TP HCM); Thạnh Phú, Tân An (Long An); Tân Phước, Cai Lậy, Cái bè (Tiền Giang); Vĩnh Long, Bình Minh (Vĩnh Long); ga Cần Thơ (TP Cần Thơ). Tuyến nhánh có 2 ga thuộc Long An gồm Long Định và Cần Giuộc. Hệ thống giao thông công cộng, nhà ở, trường học, bệnh viện, siêu thị... được đề xuất quy hoạch cạnh các ga đô thị. Tuyến có một depot (nơi sửa, bảo trì tàu...) tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM.

Theo đơn vị đề xuất, việc điều chỉnh ngoài giảm chi phí đầu tư khoảng 200 triệu USD (khoảng 461 tỷ đồng) còn giảm khối lượng giải phóng mặt bằng. Việc này được cho thuận lợi hơn để phát triển tuyến về phía Tây - nơi nhiều quỹ đất giúp hình thành các thành phố vệ tinh, liên kết đầu mối giao thông, khu đô thị...

1613 quynh tran vne9 1609908569 8993 1611216435
Theo phương án điều chỉnh, đường sắt TP HCM - Cần Thơ có đoạn đi theo bên phải tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đang chuẩn bị hoàn thành. Ảnh: Quỳnh Trần.

Dự án được đề xuất sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, cho tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h. Ước tính tổng đầu tư dự án khoảng 10 tỷ USD. Khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông Vận tải.

Tuyến đường khi đưa vào khai thác ước tính thời gian đi từ TP HCM đến Cần Thơ khoảng 45 phút, thay vì 5-6 giờ như hiện nay. Ngoài ra tuyến giúp tăng năng lực giao thương hàng hoá giữa TP HCM với Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế xã hội vùng...

Trước đó năm 2018, một phương án cũng được đưa ra là tuyến đường dài hơn 139 km, giảm khoảng một km so với quy hoạch, đồng thời tận dụng được hành lang giải phóng mặt bằng ở cao tốc TP HCM - Trung Lương và Trung Lương Mỹ Thuận. Tuy nhiên, chiều dài tuyến bị cho vẫn lớn, làm chi phí đầu tư cao và còn gặp khó trong điều chỉnh quy hoạch tại các ga đô thị.

Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam cho biết tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ những năm qua thu hút hơn 20 nguồn vốn ở nhiều nước và các quỹ tài chính quốc tế muốn hợp tác đầu tư. Hiện có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm dự án này và họ đánh giá hiệu quả của tuyến đường khi hướng tuyến được điều chỉnh.

Mới đây trong phê duyệt đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến 2030, TP HCM xác định 10 năm tới cần phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại để vận chuyển hàng hoá thông suốt, kết nối các cảng biển quan trọng của thành phố đến khu vực phía Nam. Trong đó, 5 tuyến đường sắt tốc độ cao cần được tập trung xây dựng, bao gồm tuyến TP HCM - Cần Thơ.

Gia Minh

Đề xuất làm 5 tuyến đường sắt kết nối TP HCM Đề xuất làm 5 tuyến đường sắt kết nối TP HCM

5 tuyến đường sắt kết nối TP HCM đến Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, sân bay Long Thành và trên trục Bắc - Nam ...

Ngày đăng: 08:17 | 22/01/2021

/ vnexpress.net