Trong khi vận tải biển đang gặp khó khăn về vấn đề tăng giá cước, thì vận tải đường sắt liên vận quốc tế đang được coi là điểm sáng vì đã đã tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đáng chú ý là lượng hàng qua biên giới sang Trung Quốc và đi châu Âu ngày càng gia tăng nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, thay vì vui mừng khi lượng hàng hoá tăng, ngành đường sắt đang có những nỗi lo khi mà rào cản về nhà ga, kho bãi còn yếu và chưa đủ tiêu chuẩn để phát triển cao hơn nữa về vận tải hàng hóa của ngành đường sắt.

Trong thời gian vừa qua, tại ga Đồng Đăng, các đoàn tàu liên vận quốc tế vẫn qua lại thông suốt 10 chuyến/ngày trong khi các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn ùn ứ hàng nghìn xe container xuất khẩu hàng do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, 3 tháng đầu năm, trong khi vận tải khách giảm sút thì sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế lại tăng trên 30% so với cùng kỳ 2021 và xu hướng thời gian tới tiếp tục tăng cao.

Đường sắt liên vận quốc tế: Vẫn trông chờ ngày cải tạo hạ tầng để phát triển -0

Tàu hàng liên vận quốc tế của Việt Nam khó phát triển mạnh do hạ tầng quá cũ.

Có được điều này là do ngay từ năm 2019, VNR đã xác định vận tải hàng hóa sẽ tăng năng lực do còn có dư địa. Cuối năm 2021, vận tải hàng hóa là phương thức chủ đạo cho vận tải đường sắt. Cụ thể trong năm này, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng đạt hơn 508.000 tấn, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 2%. Chiều hàng nhập liên vận quốc tế đạt khoảng 635.000 tấn, tăng hơn 38% so cùng kỳ 2020, doanh thu tăng khoảng 16%.

Là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tàu liên vận đi châu Âu, đại diện Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO-VNR) cho biết, hàng xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường sắt qua cửa khẩu ga Đồng Đăng thời gian qua tăng trưởng khoảng nhanh. Hiện, ngoài một số mặt hàng chính xuất đi Trung Quốc, châu Âu là quặng, điện tử, dệt may, nội thất, có thêm các mặt khác như: Tinh bột sắn, than ép từ đốt sơ dừa và các mặt hàng quá cảnh từ Lào, Thái Lan. Vận tải hàng bằng đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ thúc đẩy hàng từ miền Nam, miền Trung, kể cả hàng quá cảnh các nước ASEAN đi bằng đường sắt nội địa, tiếp chuyển tàu liên vận quốc tế.

Những tưởng, lượng hàng càng nhiều, thì ngành đường sắt càng vui. Thế nhưng, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lại bày tỏ, cơ sở hạ tầng, năng lực kho bãi các ga hiện nay rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, hiện chỉ có các ga Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng có tổ chức thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (có hải quan) nên khi khối lượng tăng, lại tập trung ở ga Đồng Đăng, Yên Viên, dẫn đến ách tắc. Kho bãi ga của đường sắt không đủ tiêu chuẩn, phương tiện xếp dỡ hạn chế rất nhiều. Các nhà ga, kho bãi là tài sản của Nhà nước đầu tư, trong khi chi phí duy tu bảo trì chỉ đáp ứng 30-40% lại tập trung vào kết cấu chạy tàu đảm bảo chạy tàu nên kinh phí đầu tư khác gần như là không có”, vị Chủ tịch VNR thừa nhận.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng từng đánh giá, vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á thời gian qua rất phát triển. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành đường sắt. Tuy nhiên, ông cho rằng, tổ chức vận tải vẫn tiếp cận theo hướng cũ như hiện nay thì không phát triển nên mô hình vận tải hàng hóa cần xem lại. VNR cần có kế hoạch, xây dựng các phương án về vận tải hàng khách trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khi chạy lại.

Vì vậy, vừa qua, VNR đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư nâng cấp kho, bãi tiêu chuẩn để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu như bãi container, làm thủ tục hải quan, phục vụ vận tải hàng hóa trên toàn mạng lưới. Trước mắt, cần sớm triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng, nâng cấp các ga Sóng Thần, Diêu Trì, Kim Liên, Vinh, Đồng Đăng, Đông Anh, Kép, đưa các ga thành đầu mối tập kết hàng hóa, container lớn, lập tàu liên vận quốc tế. VNR đề xuất trong đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt giao lại các ga cho Tổng Công ty Đường sắt theo hình thức tăng vốn để đơn vị thuận lợi, chủ động khai thác nguồn lực, đúng mục đích kinh doanh. Các khu ga được đầu tư hấp dẫn sẽ thu hút được vào phương tiện xếp dỡ, phương tiện vận tải, từ đó mang lại thặng dư và dành nguồn lực đó đầu tư các khu ga khác, trong khi nếu chờ ngân sách thì rất lâu. Hiện, Bộ GTVT đang chủ trì, hoàn thiện đề án trên và sớm trình Chính phủ. Trong trường hợp đề án được phê duyệt, cùng với việc cải tạo nâng cấp hạ tầng các khu ga, Chủ tịch VNR tin tưởng năng lực tăng vận tải đường sắt liên vận quốc tế sẽ tăng lên đáng kể.

Trước đó, VNR đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp ngay 41 ga trong giai đoạn 2022-2023 nhằm nâng cao năng lực và tăng hiệu quả rõ rệt cho vận tải đường sắt, tạo thuận lợi cho vận tải phục hồi nhanh sau ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19. Kinh phí dự kiến khoảng 2.380 tỷ đồng, đề xuất từ nguồn chương trình phục hồi kinh tế bền vững.

Được biết, tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng mạng đường sắt Việt Nam kết nối xuyên Á, kết nối Á-Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại các ga cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai; kết nối với đường sắt ASEAN qua Lào (tại Mụ Giạ, Lao Bảo), qua Campuchia (tại Lộc Ninh).

Đặng Nhật

Đường sắt áp dụng nhiều mức giảm giá vé tập thể trên các tuyến Đường sắt áp dụng nhiều mức giảm giá vé tập thể trên các tuyến
Nghịch lý vận tải đường sắt liên vận: Nhu cầu lớn - hạ tầng kém Nghịch lý vận tải đường sắt liên vận: Nhu cầu lớn - hạ tầng kém

Ngày đăng: 15:50 | 03/04/2022

/ cand.com.vn