Sau khi được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang gặp nhiều khó khăn khi. Lãnh đạo VNR cho rằng trong quý I/2020, nếu như tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu vì không đảm bảo an toàn chạy tàu.
Nguy cơ dừng tàu
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu đánh giá toàn diện đề xuất việc chuyển VNR về Bộ GTVT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2020.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR - Vũ Anh Minh, từ tháng 11.2018, Tổng Công ty được chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ GTVT về UBQLV tại doanh nghiệp. Sau khi chuyển giao về UBQLV, Tổng công ty đã gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt.
Cũng theo ông Minh, do VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không phù hợp với khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước khi quy định phải giao dự toán chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Do đó, Bộ GTVT đã có quyết định giao Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Tuy nhiên, trong 2 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ GTVT cũng khẳng định về việc Cục Đường sắt không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ triển khai dự toán chi ngân sách Nhà nước, bởi không có đủ nhân sự để tổ chức quản lý, triển khai, thực hiện dự toán và quản lý chất lượng bảo trì công trình xây dựng; không có quy định pháp luật nào phù hợp để Cục ký hợp đồng đặt hàng với VNR do Tổng Công ty chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (chủ đầu tư), chức năng thực hiện bảo trì (nhà thầu) là 20 công ty cổ phần do Tổng Công ty nắm giữ cổ phần chi phối.
Hơn nữa, trong trường hợp VNR ký hợp đồng đặt hàng cũng không thể ký tiếp hợp đồng với các công ty cổ phần đường sắt do Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dich vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, không có quy định về trường hợp đơn vị nhận đặt hàng (nhà thầu) được phép ký lại toàn bộ khối lượng hợp đồng đặt hàng cho các đơn vị khác tiếp theo.
Mặt khác, do nguồn kinh phí mới đáp ứng đươc 40% định mức kinh tế - kỹ thuật nên cũng không thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn các nhà thầu khác theo quy định của pháp luật do đặc thù quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tại khu vực.
Tiềm ẩn lo ngại mất an toàn chạy tàu
Chính vì lý do này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện đề xuất chuyển VNR từ UBQLV về lại Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.
Đại diện VNR cho biêt, trước đây Bộ GTVT giao dự toán ngân sách hàng năm cho VNR thực hiện đặt hàng với 20 công ty cổ phần để thực hiện sản phẩm công ích để thực hiện đảm bảo an toàn giao thông gồm tuần đường, gác chắn, đảm bảo duy tu bảo trì, đảm bảo cho tàu chạy thông suốt. Nhưng hiện VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT từ sau khi chuyển sang UBQLV.
Do đó, từ ngày 1.1.2020 VNR không được giao dự toán ngân sách dẫn đến việc cho đến nay các đơn vị trực thuộc đường sắt đang gặp khó khăn và không thể kéo dài lâu khi chưa có tiền trả lương cho công nhân lao động, sửa chữa vật tư hư hỏng... trong khi vẫn phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, an toàn chạy tàu.
Theo thống kê của VNR, trung bình một tháng 20 đơn vị đặt hàng sản phẩm công ích trên phải bỏ ra khoảng 200 tỉ đồng trong khi vốn của các doanh nghiệp này chỉ dao động 10-20 tỉ đồng lại nằm chủ yếu ở vốn tài sản. Đại diện VNR cho rằng nếu các đơn vị này không thực hiện những việc trên sẽ buộc phải dừng tàu. Mặc dù mệnh lệnh hành chính từ Tổng công ty này là sai nhưng vẫn phải chỉ đạo. Trong quý I/2020, nếu như tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu vì không đảm bảo an toàn chạy tàu. Đây là việc hết sức cấp bách.
Chỉ ra những vướng mắc này xuất phát kể từ khi VNR được chuyển về UBQLV, đại diện VNR cho rằng, phương án Tổng công ty điều chuyển về Bộ GTVT sẽ thuận lợi hơn khi chỉ kiến nghị sửa đổi các danh mục của các doanh nghiệp trước đó chuyển về.
Theo ông Vũ Anh Minh, nếu VNR trực thuộc UBQLV thì sẽ phải chỉnh sửa hàng loạt các hệ thống văn bản pháp luật đã được ban hành, trong đó bao gồm việc chuyển giao kết cấu hạ tầng. Do đó, giải pháp nào tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội thì nên chọn. Những vướng mắc đó chính là từ cơ chế chính sách nên từng bước chọn phương án tháo gỡ thì Chính phủ xem xét quyết định để doanh nghiệp hoạt động thông suốt.
Trên cơ sở đó, VNR kiến nghị Chính phủ giao dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, đặc biệt giao dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 kịp thời để tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì liên tục kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều hành đường sắt thông suốt, an toàn. Bộ GTVT thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng các định của pháp luật hiện hành.
Đặng Tiến
Ngành đường sắt nguy cơ dừng chạy tàu
Các đơn vị duy tu, quản lý hạ tầng đường sắt nợ lương người lao động 2 tháng qua, dẫn đến nguy cơ dừng chạy ... |
Kết nối thông tuyến toàn dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên
Việc phá dỡ tường vây vị trí tiếp giáp hai gói thầu này sẽ chính thức kết nối thông suốt toàn bộ tuyến metro số ... |
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa xong đã phải trả nợ
Năm 2020, Việt Nam phải trả khoảng 152 tỷ đồng nợ gốc số tiền vay từ Trung Quốc để làm đường sắt Cát Linh - ... |
Ngày đăng: 08:39 | 21/02/2020
/ laodong.vn