Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc liên tục đội vốn, lỡ hẹn vận hành. Vấn đề lại không chỉ nằm ở tổng thầu Trung Quốc.
Chi sai nghìn tỷ
Nhiều năm nay, mỗi lần đi qua tuyến đường Cát Linh - Hoàng Cầu - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung, người dân đều mòn mỏi đợi chờ dự án này đến ngày vận hành thương mại.
Dự án Cát Linh - Hà Đôngvẫn dang dở. Ảnh: Lương Bằng |
Thế nhưng, liên tục đội vốn, liên tục lỡ hẹn, dự án này đến nay vẫn chưa hẹn được ngày hoàn thành. Từ khi còn là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hồng Trường đã nhiều lần hứa hẹn ngày dự án hoàn thành. Thế nhưng, nay ông Nguyễn Hồng Trường đã nghỉ hưu, rồi bị kỷ luật vì một số vi phạm, thì lời hứa hẹn vẫn chưa thành sự thực.
Nhiều hạng mục dở dang, nằm phơi nắng phơi mưa, trong khi nợ vay Trung Quốc thì không phải chuyện đùa.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước từ cuối 2018 đã chỉ ra hàng loạt sai sót, hạn chế tại dự án này, cũng như dòng vốn ODA Trung Quốc.
Kiểm toán Nhà nước cho biết: đến hết tháng 6/2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án.
Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán hơn 1.600 tỷ đồng.
Cụ thể, dự toán nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam về quản lý định mức đơn giá, quản lý hợp đồng EPC với số tiền khoảng 889 tỉ đồng, chưa xác nhận được số tiền 1.659 tỉ đồng chủ đầu tư đã rót vào dự án.
Đáng chú ý, việc mua các đoàn tàu cũng có vấn đề. Tổ thương thảo hợp đồng đã đồng ý cho phép hạng mục cung cấp vật tư thiết bị và đầu máy toa xe nhập khẩu để phục vụ dự án và hạng mục thiết kế “trong trường hợp đặc biệt có thể điều chỉnh khi cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép". Trong khi đó, ý kiến ban đầu là không áp dụng điều chỉnh đối với các hạng mục cung cáp vật tư thiết bị và đầu máy toa xe nhập khẩu.
Sau đó, riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỉ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%).
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Dự án vẫn trơ gan cùng năm tháng. Ảnh: Lương Bằng |
Vay vốn Trung Quốc, bị phụ thuộc nhiều chuyện
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Dự án sử dụng vốn vay chưa hiệu quả do việc phối hợp triển khai thực hiện và giải quyết những khó khăn trong thực hiện cơ chế tài chính của dự án chậm.
Cụ thể hiệp định vay 1,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 169 triệu USD ký năm 2008 có hiệu lực vào tháng 4/2010, bắt đầu tạm ứng 15% giá trị hợp đồng EPC từ năm 2009 và thanh toán cho khối lượng xây lắp từ tháng 12/2012 và đến tháng 9/2015.
Hợp đồng vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD ký ngày 8/11/2009, có hiệu lực 15/11/2010. Đến hết tháng 6/2018 số tiền 250 triệu USD này mới giải ngân hết.
Hiệp định vay mới nhất bổ sung trên 1,5 tỷ nhân dân tệ, tương đương 250 triệu USD ký ngày 11/5/2017 đến ngày 25/12/2017 mới có hiệu lực. Ngày 17/4/2018 mới bắt đầu giải ngân lần đầu đến ngày 30/6/2018 mới giải ngân được 9,3 triệu USD chiếm 3,7%.
"Việc vay vốn của Trung Quốc trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn đầu tư cho các dự án nhưng cũng gặp những ràng buộc, bất lợi cho phía Việt Nam. Đó là phải thực hiện chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện hơn 13,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức đầu tư", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Trong kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân còn để xảy ra sai sót trong việc nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành còn một số tồn tại dẫn đến phải giảm chi phí đầu tư theo kết quả kiểm toán.
Trong đó có việc ký phụ lục hợp đồng số 11 điều chỉnh hình thức hợp đồng từ đơn giá và tỷ lệ phần trăm sang hình thức trọn gói khi một số hạng mục chỉ tạm tính, không có dự toán chi tiết; thương thảo bổ sung hơn 21 triệu USD chi phí xây dựng tăng thêm vào giá hợp đồng trọn gói thiếu cơ sở pháp lý.
Ký phụ lục hợp đồng số 02 ngày 30/3/2013 xóa bỏ quy định thời hạn thực hiện lập thiết kế, tổng dự toán của tổng thầu. Điều kiện riêng hợp đồng EPC làm kéo dài thời gian thực hiện công tác thiết kế, dự toán và thi công công trình.
Với Bộ giao thông vận tải, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định đối với những sai sót tồn tại trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư từ hơn 8,7 nghìn tỷ đồng lên hơn 18 nghìn tỷ đồng (vượt 10 nghìn tỷ đồng) tại Quyết định năm 2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về điều chỉnh dự án đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải bổ sung tổng mức đầu tư một số chi phí không đúng quy định như chi phí xây dựng tăng thêm hơn 21 triệu USD, chi phí trả nợ gốc phần vay lại của hiệp định vay 250 triệu USD.
Bộ này còn phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói thầu tư vấn giám sát với hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Trung Quốc không đúng quy định của Luật Đấu thầu 2005.
Ngày đăng: 10:56 | 22/09/2019
/ vietnamnet.vn