“Tại sao trước đây từng xảy ra các vụ việc như vậy mà đến bây giờ mới làm... Có ai bảo kê? Ai chống lưng?”- Câu hỏi của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình về vụ án Nguyễn Xuân Đường ( Đường “Nhuệ” ). Trong khi, thật ra đáng lẽ đây phải là câu hỏi của dân.
Sau khi Đường “Nhuệ” bị bắt, hàng loạt đơn tố cáo việc băng nhóm do Đường cầm đầu có hành vi bảo kê dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đại ý, các doanh nghiệp dịch vụ mai táng được “chia” các địa bàn để hoạt động, mỗi doanh nghiệp chỉ được thực hiện dịch vụ tại khoảng 10 xã, không được xâm phạm vào lãnh địa của nhau.
Khi đưa một người chết đi thiêu, doanh nghiệp phải “báo cáo” tên tuổi, thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường, gọi là “báo ca”. Định kỳ 2 lần mỗi tháng, họ phải đóng tiền với mức ấn định là 500.000 đồng/lần hỏa thiêu.
Trên giấy tờ, số tiền “hụi chết” này được thể hiện là khoản “tự nguyện làm từ thiện”.
Sự việc kéo dài suốt từ 2017. Doanh nghiệp nói họ biết là vô lý nhưng không dám chống đối. Bởi “Không báo ca thì “treo kèn”. Bởi đàn em của Đường sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí đập xe chở quan tài nếu không có “báo ca”.
“Độc quyền” hỏa thiêu, ăn trên từng xác người. Chỉ riêng một chi tiết này thôi đã cho thấy đầy đủ tính chất “xã hội đen” của băng nhóm Đường Nhuệ.
Một câu hỏi người dân và dư luận lập tức đặt ra: “Tại sao trước đây từng xảy ra các vụ việc như vậy mà đến bây giờ mới làm... Có ai bảo kê? Ai chống lưng?”
Tiếc thay, đây cũng là câu hỏi mà Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đinh Trọng Thăng vừa đặt ra trong một bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc.
Bài phỏng vấn có 3-4 câu hỏi xoay quanh chủ yếu quanh việc băng nhóm này lộng hành đã lâu trên địa bàn mà đến giờ này mới xử lý, xoay quanh sự bảo kê chống lưng để băng nhóm của Đường, dưới danh nghĩa doanh nghiệp có thể công khai hoạt động, làm ăn như kiểu xã hội đen, hà hiếp người ngay, coi thường pháp luật.
Và Chủ tịch Đinh Trọng Thăng trả lời mà có thể tóm tắt chung trong mấy chữ: Đã chỉ đạo công an làm rõ.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có yêu cầu làm rõ, kể cả việc mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Đây là một chỉ đạo rất trúng, rất kịp thời. Bởi xã hội đen không thể hoạt động nếu không có chống lưng, hoặc làm ngơ từ phía cơ quan chức năng.
Hôm nay, ông Chủ tịch có chung một câu hỏi với người dân, với dư luận. Nhưng ngày mai, chính Thái Bình sẽ phải là người giải thích cho dân câu hỏi tại sao.
Bằng đấy năm trời. Lộng hành. Ăn trên từng xác người. Vay lãi kiểu xã hội đen. Sẵn sàng sử dụng vũ lực... Và chẳng làm sao.
Điều đó phải được làm rõ, rõ ràng như việc không thể chấp nhận những hành vi xã hội đen như vậy.
Vợ chồng Đường Nhuệ "làm luật" cả người chết, thu nhiều tỷ đồng
Mỗi trường hợp hỏa táng, Nguyễn Xuân Đường cho đàn em thu phí 500 ngàn đồng. Nếu các văn phòng làm dịch vụ mai táng không hợp ... |
Phải truy bằng được quan chức bảo kê cho Đường Nhuệ - "Năm Cam Thái Bình"
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải truy bằng được quan chức đứng sau bảo kê cho Đường Nhuệ - \'Năm Cam Thái Bình\'. |
Ngày đăng: 18:34 | 15/04/2020
/ laodong.vn