Hàng trăm thùng thực phẩm chức năng ghi ở Mỹ nhưng thực tế sản xuất ở Hải Dương; một nhà máy sản xuất thuốc trong thời gian chờ đợi cấp số đăng ký thì đã tranh thủ sản xuất tới vài triệu viên thuốc giả một nhãn hàng nước ngoài... Đó chỉ là 2 trong nhiều vụ việc điển hình vừa được cơ quan chức năng phát hiện, cho thấy tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự cả tin của người tiêu dùng để lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng giả.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra một kho thuốc không có hóa đơn, chứng từ tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Lê Phú

Mua bán tràn lan trên mạng xã hội

"Bố tôi có kiến thức nhất định nhưng vẫn không tránh được bẫy lừa mua thực phẩm chức năng giả". Đây là tâm sự của anh Nguyễn Thành Công (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) khi nói về việc bố anh hơn 80 tuổi vừa mua 3 lọ thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, nhưng khi tra cứu, anh Công phát hiện lô thuốc này là thuốc giả. Rất may là bố anh Công chưa dùng.

Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Đan (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) mua 3 hộp thực phẩm chức năng trên mạng xã hội, nhãn hiệu Wellness, được tặng 1 hộp omega, 1 hộp sụn vi cá mập, 3 hộp kẹo sâm của VGS shop với giá 1.290.000 đồng. Tuy nhiên, khi mở hộp ra uống thì bên trong viên Wellness chỉ là vụn gỗ, có mùi lạ. Cho đến nay, sau nhiều tháng kiên trì liên lạc, bà Đan vẫn không gọi được số điện thoại 0386.858.706 ghi trên bao bì để làm rõ sự tình, trong khi, loại thực phẩm chức năng này vẫn quảng cáo rầm rộ trên mạng.

Thử gõ thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, hàng trăm gian hàng trực tuyến hiện ra trên các website, mạng xã hội khiến người tiêu dùng hoa mắt. Chị Nguyễn Thu Huyền (xã Song Phương, huyện Hoài Đức) kể rằng từng mua thực phẩm chức năng vì thấy quảng cáo hay, nhiều người bình luận nhận xét tốt.

Hay như chia sẻ anh Trần Anh Dũng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thì trước đây cứ thấy chỗ nào bán giá... cao hơn thì mua vì tin rằng giá cao là... hàng chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay anh cũng phải xem lại cách mua thực phẩm chức năng của mình.

Đường đi gian dối của thuốc và thực phẩm chức năng cũng được chia sẻ thẳng thắn tại nhiều diễn đàn. Các ý kiến đều thống nhất, công nghệ làm giả đã hiện đại đến mức có thể làm giả cả tem chống hàng giả trên các hộp thuốc và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật. Đáng quan ngại hơn khi không chỉ có các cơ sở nhỏ lẻ làm thuốc giả, các công ty, nhà máy đã được cấp chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), trong thời gian chờ đợi được cấp số đăng ký để sản xuất cũng đã tranh thủ... sản xuất tới vài triệu viên thuốc giả của một nhãn hàng nước ngoài.

Các cơ quan chức năng cũng cho biết đã phát hiện có vụ hàng trăm thùng thực phẩm chức năng, nhãn ghi xuất xứ Mỹ nhưng thực tế sản xuất ở... Hải Dương. Có vụ trên 3.780 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang, nhãn ghi sản xuất tại Mỹ, nhưng thực tế tại Trung Quốc. Cũng đã có hàng nghìn tấn thực phẩm chức năng giả bị cơ quan công an thu giữ và xử lý.

Công an quận Hai Bà Trưng và lực lượng chức năng kiểm đếm số lượng thuốc điều trị Covid-19 giả bị thu giữ. Ảnh: Bích Phương

Không thể lỏng tay với vi phạm

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, công tác quản lý, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng. Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam Nguyễn Diệu Hà cũng cho biết, Luật An toàn thực phẩm quy định việc ghi nhãn đối với thực phẩm chức năng phải ghi cụm từ "thực phẩm chức năng" và không được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào về tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng trên thực tế, nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thần dược". Theo bà Hà, từng có trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, cửa hàng kinh doanh này lách bằng cách chuyển địa điểm sang thành phố khác, mang tên pháp nhân, sản phẩm khác.

Xác định đường đi của các loại thuốc và thực phẩm chức năng giả, ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm. Qua đó phát  hiện, xử lý kịp thời và đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng; tăng cường hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn.

Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê, việc khó nhận biết thật và giả đối với thuốc, thực phẩm chức năng là nguyên nhân chính của các vụ án gian lận thời gian qua. Do đó, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận và áp dụng một cách triệt để, có thể hỗ trợ cho cơ quan quản lý thị trường dễ dàng hơn khi thực thi nhiệm vụ, hóa giải những khó khăn tồn đọng. Ngoài ra, theo ông Lê, trường hợp người tiêu dùng phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, kém chất lượng, hãy phản ánh ngay bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho các cơ quan có thẩm quyền để có thể kịp thời tiếp nhận, xử lý.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1040921/duong-di-cua-thuoc-thuc-pham-chuc-nang-gia

Ngày đăng: 11:25 | 01/09/2022

PV / Hà Nội Mới