Các đối tượng nhập lậu dược liệu từ Trung Quốc thông qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) về Việt Nam đã thành lập nhiều công ty khác nhau, ngụy trang là các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu để "qua mặt" các cơ quan chức năng. 

Các đối tượng nhập lậu dược liệu từ Trung Quốc thông qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) về Việt Nam đã thành lập nhiều công ty khác nhau, ngụy trang là các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu để "qua mặt" các cơ quan chức năng. 

Hai anh em cầm đầu

Cơ quan Cảnh sát điều tra - C03, Bộ Công an vừa khởi tố bị can, tạm giam Lâm Đình Hưng, Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Khanh, về tội Buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự.

Trong đó, Lâm Đình Hoài và Lâm Đình Hưng là anh em ruột, được xác định cầm đầu đường dây buôn lậu hơn 100 tấn dược liệu, ngụy trang bằng hoa quả sấy khô tại các tỉnh thành Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội.

Theo tài liệu điều tra, Lâm Đình Hoài và Lâm Đình Hưng đã thành lập nhiều công ty khác nhau với giấy phép kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ thủ đoạn để các đối tượng che giấu việc buôn lậu dược liệu.

Để hợp pháp hóa dược liệu nhập lậu, các đối tượng đã thành lập hàng loạt các công ty khác nhau như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Bắc có địa chỉ ở xóm 9, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội; Công ty Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hà Bắc; cũng cùng địa chỉ trên; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chi Ma (Lạng Sơn); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ninh Hiệp... Trong số này, có những công ty đã hoạt động rất lâu như Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hà Bắc đã hoạt động từ tháng 1.2014, đến nay đã được gần 6 năm. Nhiều công ty khác cũng đã hoạt động được 2-3 năm.

Với mặt hàng kinh doanh là nông sản khô, tươi nhập khẩu, hàng hóa của các đối tượng hầu như không bị hải quan kiểm tra, vì đây là mặt hàng được nhà nước cho phép nhập khẩu. Những đối tượng này chỉ cần khai tờ khai hải quan, sau đó nộp thuế theo quy định là sẽ được nhập khẩu.

Ghi nhận của phóng viên Lao Động mới đây, khu nhà xưởng của Công ty xuất nhập khẩu Hà Bắc rộng khoảng gần 2.000 m2, án ngữ ngay mặt đường thuộc khu đất mới của thôn Long Vỹ, phường Đình Bảng. Các cửa ra vào của nhà xưởng này hiện bị lực lượng chức năng niêm phong và khóa trái.

Thùng hàng toàn chữ Trung Quốc. Ảnh: Cường Ngô

Anh Hùng (công nhân của Công ty Xuất nhập khẩu Hà Bắc) cho biết, công ty này được thành lập có chức năng cung cấp các loại vải Jean, song, thực chất chủ yếu nhập khẩu các loại nguyên liệu chế biến thuốc bắc như táo đỏ sấy khô, y dĩ, cườm thảo, bo bo…. Ngày 5.12, lượng chức năng đã thực hiện khám xét tại kho hàng này; sau đó mang một số hàng hóa đi, số còn lại được niêm phong trong kho.

Qua quan sát, các sản phẩm của Công ty xuất nhập khẩu Hà Bắc đều được đóng trong các thùng carton, in dày đặc chữ Trung Quốc. Trước cửa nhà kho có một phòng nhỏ được tận dụng làm văn phòng, hiện có 4-5 người Trung Quốc làm việc ở đây. Được biết, thời điểm kiểm tra, người đại diện pháp lý của công ty không có mặt, vì đang đi công tác nước ngoài.

Quy trình nhập lậu "kín đáo"

Theo đánh giá của C03 và Tổng cục Quản lý thị trường, việc nhập lậu dược liệu được các đối tượng làm thành đường dây khép kín từ việc sang Trung Quốc mua nguyên liệu, đến khai báo hải quan, vận chuyển về Việt Nam rồi bán cho khách hàng đều do các công ty khác nhau của các đối tượng thực hiện.

Cũng chính vì hoạt động khép kín như vậy, nên các hành vi vi phạm pháp luật của chúng được che giấu, ngụy trang khá kỹ lưỡng. Vì vậy, để bắt quả tang được các đối tượng nhập khẩu trái phép các loại dược liệu, nhà chức trách phải mất nhiều tháng theo dõi, nắm tình hình, thu thập tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của các đối tượng.

Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều nghi vấn các đối tượng trên là đầu nậu chuyên cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm.

Cơ quan công an khám xét nhiều kho hàng dược liệu nhập lậu ở xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Cường Ngô

Theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng, mỗi ngày, các đối tượng thông quan từ 3 đến 5 container, mỗi container vận chuyển hàng chục tấn hàng.

Nếu trừ đi hàng hóa các đối tượng ngụy trang thì mỗi ngày, chúng đã vận chuyển trót lọt hàng chục tấn dược liệu vào Việt Nam tiêu thụ. Riêng kho ở thị xã Từ Sơn đã có hàng trăm tấn dược liệu. Kho này có diện tích khoảng 1.500m2, lúc nào cũng tấp nập công nhân đóng hàng, bốc hàng, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ.

Cường Ngô 15/12/2019 | 15:33

Là dược liệu quý, nhưng phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum vẫn gặp khó

Với giá trị kinh tế cao và là dược liệu quý nhưng để phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum luôn là một ...

Thương lái mua lúa non bất thường: Tranh cãi làm dược liệu

Theo nhiều lương y chưa có công trình khoa học cho thấy lúa non có thể làm thuốc chữa bệnh thì chủ doanh nghiệp thu ...

Mờ mịt ngành công nghiệp dược nội địa

Tiềm năng dược liệu được coi là rất lớn nhưng có tới 80% dược liệu hiện nay phải nhập khẩu để sản xuất dược phẩm, ...

 

 

Ngày đăng: 15:52 | 15/12/2019

/ laodong.vn