Ngay cả khi năm 2018 giảm được thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ hơn 30% xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%

Ngày 28-2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các bộ, ngành trong thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Cài cắm câu chữ

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết Thủ tướng đánh giá cao việc cắt giảm mạnh các thủ tục trong thời gian qua cũng như xử lý những chồng chéo giữa các bộ. Tuy nhiên, các bộ, ngành phải cắt bỏ giấy phép con, những rào cản làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN. "Vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh cài cắm câu chữ để gài bẫy DN" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết ngay cả khi năm 2018 giảm được thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ hơn 30% xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Hiện Việt Nam xuất nhập khẩu trên 400 tỉ USD/năm và cần hướng tới thực hiện thủ tục điện tử 100%. Kiểm soát được từng thủ tục hành chính ở 171 cửa khẩu quốc gia, từng hành vi của công chức hải quan thì mới giám sát được toàn bộ hoạt động.

duoi tham con nhieu dinh
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định năm 2018 phải quyết liệt dẹp bỏ các văn bản "núp bóng"

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận đà cải cách đang rất tốt nhưng không được dừng lại ở việc đề xuất mà phải chuyển sang cắt giảm thực sự. "Có tình trạng trên trải thảm đẹp lắm nhưng dưới lại rải quá nhiều đinh. Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, rồi hô hào nhổ đến cái đinh cuối cùng nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm và còn phụ thuộc trên có cho nhổ hay không. Chúng ta hì hục gỡ những chiếc đinh do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được" - ông Thiên nhấn mạnh.

Kiểm tra việc "núp bóng"

Kết luận cuộc kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ năm 2018 phải quyết liệt dẹp bỏ các văn bản "núp bóng" .

Tinh thần là cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục, danh mục mặt hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Yêu cầu của Thủ tướng là tạo ra cải cách, chuyển động mạnh mẽ hơn nữa để thu hút đầu tư, tạo dòng chảy kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cho DN; việc cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không hình thức, cắt thủ tục này để mọc quy định khác. Từ ngày 15-3 trở đi, tổ công tác sẽ kiểm tra cụ thể từng bộ, ngành để tìm các rào cản, giấy phép còn "núp bóng" với mục tiêu trước ngày 30-6 ban hành được nhiều nhất các văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm thực chất các thủ tục, giấy phép con cản trở sự phát triển.

Ông Dũng cho biết Thủ tướng nhắc nhở một số bộ thực hiện chậm trễ nhiệm vụ được giao. Cụ thể giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 nhưng đến nay vẫn thiếu bản quy hoạch của nhiều tỉnh, thành, làm chậm kế hoạch của địa phương; giao Bộ Giao thông Vận tải thi công thí điểm 1 km đường cao tốc mẫu để làm định mức chi phí, tính thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để minh bạch nhưng quá hạn đã lâu mà chưa hoàn thành; một số dự án như cảng Quy Nhơn, cảng Cái Mép - Thị Vải… chậm xử lý.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông phân trần việc triển khai xây dựng định mức cho 1 km đường cao tốc không mang tính đại diện do điều kiện mỗi vùng, địa hình, địa chất khác nhau. Vì thế, bộ này đề xuất xây dựng định mức phân chia theo khu vực Bắc - Trung - Nam và hiện đang phối hợp Bộ Xây dựng để xây dựng đề án mới về định mức, theo hướng xác định bằng năng suất, bảo đảm tính thị trường...

11 bộ phải cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra

Theo yêu cầu của Chính phủ, 11 bộ phải cắt giảm 50% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Y tế (802 mặt hàng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm), Bộ Thông tin và Truyền thông (143 mặt hàng), Tài nguyên và Môi trường (110 mặt hàng)… Hiện còn các điều kiện kinh doanh được quy định tại 237 văn bản quy phạm pháp luật với 3.571 điều kiện kinh doanh cho 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 13 bộ. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 1.215 điều kiện, đã cắt giảm 675.

duoi tham con nhieu dinh

Nhiều ý kiến phản biện đề án tăng phí đậu ô tô dưới lòng đường

Sáng 28-2, Ủy ban MTTQ TP HCM, tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức ...

duoi tham con nhieu dinh

Hà Nội, Sài Gòn chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chịu nhiều tổn thương từ biến đổi khí hậu, bởi đây là trung tâm kinh tế - ...

Ngày đăng: 08:22 | 01/03/2018

/ nld.com.vn