Thành tích năm học này phải bằng hoặc cao hơn năm trước nên nhiều giáo viên tranh luận, phản bác nhưng không thể nào lay chuyển được Ban giám hiệu nhà trường.

LTS: Bệnh thành tích từ lâu đã được xem là mối nguy hại của toàn xã hội. Nó đã và đang ăn sâu vào trong suy nghĩ, hành động của mọi người, gây tác động tiêu cực đến chất lượng giáo dục nước nhà.

Từ thực tế tại chính ngôi trường mình đang công tác, tác giả Thanh An đã có bài viết chia sẻ về căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Đồng thời, tác giả cũng đặt ra câu hỏi dành cho các vị lãnh đạo của ngành giáo dục rằng "Đến bao giờ, ngành giáo dục “dám” đánh giá thật chất lượng giảng dạy?".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong buổi Hội nghị Cán bộ - Công chức của trường chúng tôi vừa qua đã có những tranh luận nảy lửa về các chỉ tiêu mà Ban giám hiệu nhà trường giao cho các tổ chuyên môn cũng như một số chỉ tiêu chung cho nhà trường.

Phương châm các chỉ số về thành tích năm học này phải bằng hoặc cao hơn năm trước nên nhiều giáo viên tranh luận, phản bác nhưng không thể nào lay chuyển được Ban giám hiệu nhà trường.

Một số giáo viên còn bị quy cho cái tội không chịu làm việc, ngại phấn đấu, ngại đổi mới thì làm sao mà trường phát triển được. Nghĩ cũng thật buồn, ngày đại hội công nhân viên chức thành ngày giao chỉ tiêu.

duoi mai truong co nhung con so phi thuong den kho tin
Đến bao giờ ngành giáo dục mới dám đánh giá thật chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Trong tất cả các môn học, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt lưu tâm tới 2 học mang tính quyết định cho chất lượng giảng dạy của trường là môn Toán và môn Ngữ văn.

Bởi, theo Thông tư 58 về đánh giá, xếp loại học sinh thì muốn đạt học lực loại giỏi, học sinh phải có điểm bình quân từ 8.0 điểm trở lên, không có môn nào dưới 6.5 điểm và 2 môn Toán và Ngữ văn phải có ít nhất 1 môn từ 8.0 điểm trở lên.

Vì vậy, dù học sinh có điểm cao bao nhiêu nhưng điểm Toán và Ngữ văn thấp hơn 8.0 điểm thì cũng thành vô nghĩa.

Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường giao cho hai tổ chuyên môn này với những con số “cực kì ấn tượng”, Toán có tỉ lệ đưa ra là 32% học sinh đạt loại giỏi và Ngữ văn 27%. Một con số thật…phi thường.

Với chỉ tiêu đề ra như vậy, có nghĩa là môn Toán cứ 3.1 học sinh có 1 em xếp loại giỏi, môn Văn cứ 3.7 em có 1 em xếp loại giỏi. Đó là chưa kể chỉ tiêu loại khá cho các môn học này.

Chúng ta cứ hình dung, trong mặt bằng chung của một trường nông thôn mà có một số lượng học sinh học giỏi Văn và Toán như vậy thì tương lai nước nhà chắc chắn sẽ có rất nhiều người tài giỏi lắm.

Thế nhưng, sự thật đâu có phải như vậy, lớp dưới thì vì thành tích cứ cho học sinh lên lớp, cấp học trên thì cứ phải lấy số lượng học sinh có điểm đầu vào thấp bởi không lấy thì không đủ chỉ tiêu và có học sinh để giảng dạy.

Vì thế, mỗi kì thi tuyển sinh 10 hay thi tốt nghiệp trung học quốc gia đi qua, chúng ta thấy có hàng ngàn học sinh bị điểm liệt.

Chính vì kết quả “học thật” chỉ có vậy nên vừa qua đã có địa phương xin tuyển cả học sinh bị điểm liệt khi thi vào lớp 10 như chúng ta đã biết.

Lạ một nỗi là những em điểm liệt đó lại có kết quả học tập ít nhất là trung bình mới đủ điều kiện dự thi?

Nói thật, Ban giám hiệu muốn chỉ tiêu bao nhiêu, giáo viên cũng có thể đáp ứng nhưng chạy theo số liệu để làm gì khi học sinh của mình chất lượng giỏi thật chỉ có thể tính trên đầu ngón tay.

Vì thế, giáo viên trong trường chúng tôi không nhất trí với chỉ tiêu mà Ban giám hiệu ấn định.

Nhiều ý kiến phân tích tình hình thực tế, lấy cả số liệu dẫn chứng trong kì thi tuyển sinh 10 vừa qua có tới 15% học sinh bị điểm liệt môn Toán thì chỉ tiêu phấn đấu 32% học sinh giỏi môn Toán cũng sẽ thành vô nghĩa, chẳng có tác dụng gì.

Vô tình, việc đánh giá không chính xác của nhà trường sẽ tạo ảo tưởng cho học trò. Thế nhưng, Ban giám hiệu không lay chuyển và vẫn giữ số liệu học sinh giỏi như đã đề ra ban đầu.

Bởi, số liệu chỉ tiêu này là lấy tỉ lệ phần trăm chung của cả huyện trong năm học vừa qua để làm chỉ tiêu cho nhà trường.

Một số thành viên của Ban giám hiệu còn viện lí do là nếu cứ lấy số liệu thật thì trường sẽ bị cắt thi đua, thiệt thòi cho giáo viên, cho nhà trường và mỗi lần chúng tôi đi họp ngoài phòng giáo dục cũng “rát mặt” vì trường mình có chất lượng thấp.

Không chỉ giao chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy mà Ban giám hiệu còn đề ra chỉ tiêu cho các phong trào thi đua.

Chỉ tiêu giáo viên giỏi cấp trường là 75% giáo viên. Nếu tổ chuyên môn nào không đạt được số lượng giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi cấp trường thì cuối năm sẽ không xét thi đua cho tổ chuyên môn đó.

Bởi, theo chỉ đạo của nhà trường là phải có giáo viên giỏi mới có nhiều học sinh giỏi được. Thế nhưng, lâu nay thi giáo viên giỏi cấp trường có mấy ai thi mà trượt đâu.

Mỗi giáo viên cũng trải qua 3 vòng thi: lí thuyết, sáng kiến kinh nghiệm hoặc giải pháp hữu ích và thi thực hành 2 tiết.

Hai vòng đầu thì ai cũng dễ dàng vượt qua. Vòng thi thực hành thì đăng kí 2 tiết dạy. Nếu 2 tiết này có 1 tiết loại giỏi và 1 tiết loại khá là được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường.

Nếu hai tiết thực hành đó đều xếp loại khá thì Ban giám hiệu yêu cầu dự thêm 1 tiết nữa để có 1 tiết giỏi làm cơ sở công nhận giáo viên giỏi.

Chính vì không đạt thì dự giờ tiếp nên có mấy tổ chuyên môn lại tự rước phiền phức cho mình. Phương châm ai thi giáo viên giỏi cấp trường cũng đều đỗ đã trở thành luật bất thành văn trong nhiều trường phổ thông hiện nay.

Và, cứ thế, năm nào khi Hội nghị cán bộ-công chức nhà trường cũng áp đặt chỉ tiêu cho từng tổ, từng giáo viên với những con số trên trời như vậy.

Một khi ý Ban giám hiệu đã ra chỉ thị thì đó là mệnh lệnh, ai có ý kiến thì Ban giám hiệu khinh ra mặt.

Dần dần chẳng có ai nói nữa và xem đó là “mốc” để giáo viên “phấn đấu” nhằm hoàn thành công việc của mình.

Những số liệu ảo ấy đã và đang tồn tại một cách “bình thường” trong nhiều trường học hiện nay.

Khi đã là người thầy đứng trên bục giảng, không có giáo viên nào muốn học sinh lớp mình có tỉ lệ học sinh yếu, kém cao, ai cũng mong muốn đào tạo ra những lớp học trò chăm ngoan, học giỏi để trở thành người có ích.

Thế nhưng, chất lượng học trò có hạn, bệnh thành tích trong ngành giáo dục đã trở thành căn bệnh “nan y” từ lâu nay mà nhiều lãnh đạo chưa muốn chữa, chưa muốn thừa nhận những yếu kém.

Những số liệu đẹp như mơ được các cấp báo lên để làm hài lòng nhau trong mỗi dịp tổng kết đang tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường…

Đến bao giờ, ngành giáo dục mới dám đánh giá thật chất lượng giảng dạy? Câu hỏi dành cho lãnh đạo của ngành giáo dục trả lời!

duoi mai truong co nhung con so phi thuong den kho tin "Nhiều thầy cô bây giờ sợ phụ huynh lắm!"

Không chỉ nhiều lần chảy nước mắt trước những đòi hỏi quá đáng của phụ huynh, nhiều thầy cô giáo còn phải nhận những lời ...

duoi mai truong co nhung con so phi thuong den kho tin Những nhầm lẫn về giáo dục ở Việt Nam

Có khá nhiều mâu thuẫn và cả những nhầm lẫn, thậm chí ngộ nhận trong giáo dục ở Việt Nam

duoi mai truong co nhung con so phi thuong den kho tin Cô giáo bị hành hung trên bục giảng: Đừng để trẻ chứng kiến thêm cảnh bạo lực

Chuyện nữ giáo viên trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) phải nhập viện cấp cứu vì bị một nhóm đối tượng xông ...

(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Duoi-mai-truong-co-nhung-con-so-phi-thuong-den-kho-tin-post180061.gd)

Ngày đăng: 08:55 | 03/10/2017

Báo Giáo Dục Việt Nam /