Sau thời gian tạm ngưng để phòng chống dịch COVID-19, loại hình khách sạn đã được phép mở cửa hoạt động trở lại. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều khách sạn trên địa bàn TPHCM vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.
Nhiều khách sạn tự tạm dừng dù được phép hoạt động
Ngày 13.5, phóng viên Báo Lao Động đã khảo sát nhiều tuyến đường vốn là những khu vực kinh doanh khách sạn sầm uất của TPHCM như Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (quận 1), Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh (quận 10), Khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh),...để ghi nhận tình hình hoạt động trở lại của loại hình này sau dịch COVID-19.
Phần lớn các khách sạn đã mở cửa hoạt động trở lại, tuy nhiên cũng có nhiều khách sạn vẫn "cửa đóng then cài", tiếp tục tạm ngưng hoạt động.
Khách sạn của bà Nguyễn Thị Lệ đóng cửa và chờ khách thuê lại. Ảnh: Huân Cao
Bà Nguyễn Thị Lệ, chủ khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cho biết, khách sạn của bà Lệ xác định không mở cửa kinh doanh nữa mà đang tìm khách để cho thuê lại.
"Khách sạn của tôi nằm trong khu phố Tây nên từ trước đến nay chỉ có khách du lịch quốc tế đến đặt phòng. Từ khi xảy ra dịch đến nay, khách quốc tế tạm ngưng đến TPHCM du lịch nữa nên khách sạn luôn đóng cửa. Giờ được phép hoạt động trở lại nhưng không có khách thì mở cũng như không, tôi đang sang lại hoặc cho thuê dài hạn" - bà Lệ nói.
Trong khi đó, khách sạn Lê Duy nằm gần đó đã mở cửa hoạt động, nhưng lượng khách vẫn rất ít nên công suất phòng chỉ đạt 20%.
Anh Lê Quang Tuấn, quản lý khách sạn cho biết, dù khách sạn có lợi thế nằm ngay trung tâm quận 1, thuận tiện cho du khách nhưng vì không có khách quốc tế đến nên công suất phòng chỉ đạt 20% (chủ yếu khách nội địa). Điều này, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải chi phí cho hoạt động kinh doanh trở lại.
Dù nằm ngay trung tâm nhưng công suất phòng khách sạn này chỉ đạt 20%. Ảnh: Huân Cao
Cơ sở lưu trú và ngành du lịch cùng vượt khó
Không chỉ những khách sạn khu trung tâm chuyên đón khách Tây mới gặp khó, nhiều khách sạn nằm xa khu trung tâm chuyên đón khách ở các tỉnh, thành cũng gặp khó khăn không kém.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Chủ khách sạn Mây Hồng (khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh) cho biết, trước khách sạn ông đón nhiều khách từ các tỉnh miền Tây lên công tác hoặc khám chữa bệnh. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay hầu như rất ít khách nên buộc ông phải đóng cửa, trả mặt bằng.
"Tôi bỏ tiền tỉ ra để thuê lại ngôi nhà của người ta và đầu tư phòng ốc làm khách sạn. Từ khi dịch xảy ra, tôi phải gồng gánh trả tiền thuê mặt bằng và các chi phí phát sinh khác, trong khi doanh thu không có. Giờ mở cửa hoạt động lại, nhưng không có khách buộc tôi phải đóng cửa tiếp để tìm khách sang lại" - ông Tú nói.
Trong khi đó, khách sạn Anh và Em, đường Nguyễn Thái Học, quận 1 đã có sự thay đổi để "cầm cự" trong lúc khó khăn. Theo đó, chủ khách sạn này đã quyết định cho thuê lại tầng hầm và tầng 1 để có thêm nguồn thu trang trải chi phí. Đồng thời, giảm 50% giá phòng để hút khách đến.
Tương tư như vậy, nhiều chủ khách sạn ngoài việc tạm đóng cửa, thì chọn phương án cho thuê lại một phần khách sạn hoặc sử dụng mặt bằng để kinh doanh ăn uống, thời trang.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, vì chưa mở cửa đón khách quốc tế nên nhiều khách sạn trên địa bàn TPHCM vẫn gặp khó khăn dù được phép hoạt động trở lại.
Theo bà Hoa, hiện số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn TPHCM khoảng 2.400 khách sạn. Trong đó có khoảng 20 khách sạn đạt chuẩn 5 sao, 120 khách sạn chuẩn từ 3 sao trở lên. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành ngành du lịch thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để sớm vực dậy.
Một khách sạn cho thuê bớt phần diện tích tầng hầm để giảm khó khăn. Ảnh: Huân Cao
Cụ thể, Sở Du lịch đã đề xuất UBND TPHCM hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Nội dung tập trung vào nhóm giải pháp giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế,…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng hỗ trợ công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; triển khai các chương trình kích cầu du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới để thu hút nhiều du khách đến tham quan, lưu trú.
"Ngành Du lịch thành phố có những giải pháp để cùng các doanh nghiệp lưu trú vượt qua khó khăn. Trong đó, chú trọng đến việc tái cơ cấu, tăng cường sự liên kết, cắt giảm những khâu trung gian và giảm giá thành sản phẩm. Các khách sạn, nhà hàng cần có những gói sản phẩm kích cầu để thu hút du khách trong nước đến lưu trú trong thời điểm này" - bà Hoa nói.
Một khách sạn quy mô nhưng vẫn "cửa đóng then cài". Ảnh: Huân Cao
Được phép mở cửa hoạt động trở lại, nhiều khách sạn vẫn án binh bất động
Sau thời gian tạm ngưng để phòng chống dịch COVID-19, loại hình khách sạn đã được phép mở cửa hoạt động trở lại. Thế nhưng ... |
Ngày đăng: 19:42 | 13/05/2020
/ laodong.vn