Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, nhiều hộ gia đình nước ta đã đã trở thành nhà đầu tư vào điện mặt trời.
Các hộ dân có thể hoàn vốn sau 3-5 năm đầu tư vào điện mặt trời
Nói đúng nghĩa, các hộ dân là những nhà đầu tư thứ cấp. Chủ đầu tư là các doanh nghiệp như Công ty cổ phần năng lượng Mặt trời đỏ (Red Sun), Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), hay EVN… Còn các hộ dân bỏ tiền lắp những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà của mình. Việc sử dụng năng lượng được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Cứ mỗi tháng, theo chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ điện năng trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện (là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) theo giá quy định.
Tại TP.Hồ Chí Minh, tính từ tháng 9/2017 đến nay, số hộ dân sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và đăng ký bán lại phần điện dư tại thành phố đã tăng hơn 3 lần. Sự sôi động ấy đến từ Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, một hộ dân đầu tư bộ điện mặt trời công suất 5 kW với tổng chi phí lên đến 180 triệu đồng, khi sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Quyết định của 11 có thể giúp các hộ dân kiếm thêm thu nhập từ “nhà máy điện” trên nóc nhà của mình. Việc thu lại được phần tiền đúng bằng với phần đã đóng góp cho lưới điện là hợp quy luật thị trường và khuyến khích cho điện mặt trời phát triển ngày càng mạnh.
Dù mức giá mới được phê duyệt 9,35 cent/kWh còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và so mức giá kỳ vọng (trên 10 cent/kWh) của các nhà đầu tư, nhưng với việc có cơ chế mua bán và mức giá cụ thể như vậy cũng đã là thành công của lĩnh vực điện mặt trời ở nước ta. Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức giá này, nếu nhà đầu tư khéo léo và đặt mức lợi nhuận vừa phải cũng có thể hoạt động được. Trong xu hướng chi phí đầu tư ngày càng giảm hiện nay thì lợi nhuận sẽ ổn định hơn.
Một “chiêu” của các nhà đầu tư khuyến khích các nhà đầu tư thứ cấp nhập cuộc chơi là bảo hiểm sản lượng điện. Mới đây, Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK Holdings), bảo hiểm BIC và Ngân hàng BIDV để hỗ trợ triển khai gói giải pháp năng lượng mặt trời BigK. Theo đó, với sự hỗ trợ của các quỹ bảo hiểm và ngân hàng như lần này, các hộ dân sẽ được bảo hiểm sản lượng bằng 75% sản lượng dự kiến của hệ thống được sản sinh, trong thời gian 5 năm. Gói bảo hiểm này miễn phí, cho những ai sử dụng BigK.
Theo ông Nguyễn Vũ Nguyên - Giám đốc hoạt động SolarGATES (Đơn vị phân phối chính hãng giải pháp BigKilowatt), giá điện mặt trời BigKilowatt khoảng 23.000 VNĐ/ Wp (đã bao gồm VAT), tính toán theo chu kỳ tăng giá điện EVN cùng lạm phát trung bình hiện nay, đầu tư BigKilowatt sẽ hoàn vốn nhanh trong 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của hệ thống lên tới 25-30 năm, như vậy các hộ gia đình có thể sinh lời tiền điện trong khoảng 20 năm còn lại sau hoàn vốn.
Một tính toán khác của PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) từ chính kinh nghiệm đầu tư của mình: Ông đầu tư hệ thống điện mặt trời từ cuối năm ngoái. Thời điểm đó vẫn chưa có quy định về mua bán điện giữa hộ gia đình và nhà cung cấp điện. Toàn bộ hệ thống 12 tấm pin mặt trời trên nóc nhà với tổng diện tích 24 m2 và bộ tích điện tốn chi phí 130 triệu đồng. Nay đã có quy định về việc mua bán điện, ông cho rằng, người dân sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể khi không phải tốn thêm tiền đầu tư bộ tích điện. Điện xài không hết có thể coi như “gửi” lên lưới điện quốc gia, lúc cần đem xuống xài mà không cần tốn tiền mua. Nó sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là thừa phải cho không nhưng khi cần sử dụng lại phải mua. Trước đây, chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời tương đương 7 năm tiền mua điện hằng tháng. Với quyết định mới này, thời gian hoàn vốn chỉ mất khoảng 3 - 4 năm.
Dù tính toán theo cách nào thì với Quyết định 11 cho phép hộ dân bán lại lượng điện dư thừa, đã khiến chủ đầu tư (các doanh nghiệp) và các nhà đầu tư thứ cấp (hộ dân) sôi động hơn. Các chuyên gia lĩnh vực điện mặt trời cho biết, hiện rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực này như: Hàn Quốc, Thái Lan, Đức... với quy mô mỗi dự án 30 - 100 MWp.
Hoàng Anh
Cà Mau xin bổ sung quy hoạch nhà máy điện mặt trời trên 1.100 tỷ đồng
Tiếp tục tận dụng năng lượng tái tạo, ngoài nhà máy điện gió trên 5.500 tỷ đồng ở Đất Mũi, tỉnh Cà Mau cho nhà ... |
Thêm nhà máy điện mặt trời trị giá 1.150 tỷ ở Ninh Thuận
Dự án nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ có tổng vốn đầu tư khoảng 1.150 tỷ đồng, lắp đặt tổng cộng hơn 162.000 ... |
Lắp 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại Ninh Thuận
Nhà máy điện mặt trời BIM 1 sẽ lắp đặt 90.000 tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận trên diện ... |
Ngày đăng: 14:13 | 24/09/2018
/ http://www.tapchicongthuong.vn